5 điểm vượt trội của tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là “đỉnh” quan trọng nhất, xuất phát từ vai trò làm cho “chiếc bánh” GDP to ra, chống tụt hậu xa hơn, tránh sập bẫy thu nhập trung bình… và tác động đến các đỉnh khác của “ngũ giác” mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, thất nghiệp, đói nghèo).
Tính chung tốc độ tăng trưởng kinh tế của 9 tháng đầu năm 2015 đã cao hơn hẳn của 9 tháng cùng kỳ trong 3 năm qua

Tính chung tốc độ tăng trưởng kinh tế của 9 tháng đầu năm 2015 đã cao hơn hẳn của 9 tháng cùng kỳ trong 3 năm qua

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt được 5 sự vượt trội. Điểm vượt trội thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao lên qua các quý (quý I tăng 6,12%, quý II tăng 6,47%, quý III tăng 6,81%). Đà tăng trưởng này là tín hiệu khả quan về việc tiếp tục tăng cao lên trong quý IV tới đây.

Điểm vượt trội thứ hai, tính chung tốc độ tăng trưởng kinh tế của 9 tháng đầu năm 2015 đã cao hơn hẳn của 9 tháng cùng kỳ trong 3 năm qua. Đây là tín hiệu rõ hơn, vững chắc hơn của xu hướng tăng trưởng cao lên qua các năm và đang tiến tới phục hồi (năm 2012 rơi xuống đáy, năm 2013 thoát đáy, năm 2014 vượt dốc, năm 2015 đi lên và từ năm 2016 tiến tới phục hồi, với dự kiến tăng trưởng GDP bình quân năm trong thời kỳ 2016-2020 đạt 6,5-7% như Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII).

Điểm vượt trội thứ ba, trong nhiều năm trước, việc đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm thường phải đến quý IV, nhưng năm nay mục tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (6,2%) theo Nghị quyết của Quốc hội đã đạt và vượt ngay từ 6 tháng và 9 tháng. Nói đến điểm vượt trội này là hàm hai ý, hoặc là các nhà lập kế hoạch có thể đã không lường tới hết khả năng cũng như các yếu tố tác động đến việc vượt dốc đi lên tiến tới phục hồi sớm như vậy; hoặc là sự nỗ lực đạt được trong thực tế của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, của toàn dân.

Điểm vượt trội thứ tư, tăng trưởng GDP đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng do cả 3 ngành cụ thể (nông nghiệp tăng 1,77%, đặc biệt lâm nghiệp tăng cao 7,89%, thuỷ sản tăng 2,11%). Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng vừa cao hơn nhiều cùng kỳ 3 năm trước; vừa cao hơn tốc độ tăng chung, đã trở lại là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế; vừa đạt được ở 4 ngành công nghiệp cụ thể (khai khoáng 8,15%; chế biến, chế tạo 10,15%; sản xuất và phân phối điện 11,3%, sản xuất, cung cấp nước, quản lý, xử lý nước thải, rác thải 7,2%) và ngành xây dựng.

Điểm vượt trội thứ năm, tăng trưởng GDP cao hơn năm trước và cao hơn mục tiêu đề ra, trong điều kiện tốc độ tăng CPI 9 tháng mới tăng 0,4%, có khả năng cả năm sẽ tăng thấp xa so với mục tiêu (5%), thậm chí thấp hơn năm trước (1,84%). Nếu đạt được như vậy thì đây được coi là kết quả kép của năm 2015 - điều mà không phải năm nào cũng đạt được, bởi đó là cặp chỉ tiêu thường diễn biến trái chiều. Kết quả kép của năm ngoái và năm nay là tín hiệu cho thấy, Việt Nam đã thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn có tính chu kỳ trong 8 năm từ 2004-2011 (tăng trưởng - lạm phát - thắt chặt - suy giảm - nới lỏng - tăng trưởng - lạm phát...).

Tăng trưởng đạt được sự vượt trội như trên do nhiều yếu tố tác động. Ở đầu vào, vốn đầu tư đạt khá. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,5% so với cùng kỳ và bằng 3,19% GDP. Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng cao hơn tốc độ tăng chung (8,8%). Vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng thấp hơn (7,2%), nhưng chiếm tỷ trọng cao nhất (39,1%). Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước (43,1%) và vẫn tăng so với cùng kỳ (4,1%), trong đó địa phương tăng cao hơn (5,2%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2015 ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4%..

Ở đầu ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,1%- tốc độ tăng khá cao so với cùng kỳ 3 năm trước đây. Với công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ cao lên và cao hơn chỉ số sản xuất (13,3% so với 9,8%), chỉ số tồn kho tăng chậm lại (tăng 9,9%). Xuất khẩu hàng công nghiệp tăng cao hơn tốc độ chung (14% so với 9,6%).

Tin bài liên quan