Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đang trên đà suy giảm, cho thấy hoạt động sản xuất khó phục hồi mạnh

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đang trên đà suy giảm, cho thấy hoạt động sản xuất khó phục hồi mạnh

2016, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

(ĐTCK) Điểm gặp nhau trong nhận định của các tổ chức trong nước và quốc tế mới đây là lạm phát, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tăng trưởng GDP 2015 sẽ đạt mục tiêu 6,5%

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Glenn Maguire cho rằng, sức cầu trong nước vẫn tăng mặc dù đồng Việt Nam đã mất giá 5,0% tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại khu vực giảm sút. Thâm hụt cán cân vãng lai không đáng ngại, vốn FDI vẫn tăng trưởng mạnh và là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong dài hạn.

“Kinh tế Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi”, ông Glenn nói.

Đồng điệu với nhận định này của ông Glenn, Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2015 của Khối Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, nhu cầu nội địa vẫn được lạm phát thấp hỗ trợ tốt. Các hoạt động trong nước cũng được thúc đẩy do sự phục hồi ổn định của tăng trưởng tín dụng (tăng 10,8% từ đầu năm đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái) và có thể đạt mức 17% trong năm 2015, so với mức 14,2% trong năm 2014 khi các ngân hàng tăng hoạt động cho vay trong những tháng tới.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cũng cho biết: “Tình hình DN tiếp tục cải thiện; lạm phát thấp và ổn định; khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập dự phòng rủi ro tăng... Những tháng còn lại của năm 2015, nhiều khả năng không có biến động lớn, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tiếp tục hướng tới mục tiêu cả năm là 6,5% như dự báo trước đây”. 

Nhận diện những khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế cũng chỉ ra rất nhiều thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong những tháng cuối năm cũng như sang năm 2016. Theo HSBC, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục bị các yếu tố khách quan yếu gây ảnh hưởng. Trong tháng 10, chỉ số PMI ngành sản xuất tăng nhẹ ở mức 50,1 điểm, nằm trên mức không thay đổi 50 điểm. Chỉ số việc làm suy yếu và đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang trên đà giảm thêm cho thấy hoạt động sản xuất khó có thể phục hồi mạnh.

“Mối quan tâm hiện nay đang chuyển sang các hoạt động cải cách và thách thức dài hạn của Việt Nam chủ yếu đến từ hoạt động trong nước với hai thách thức lớn nhất là thâm hụt tài chính công ngày càng nới rộng mà Bộ Tài chính đã phải nỗ lực để cấp vốn do nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ thấp; sự lấn át của các DN Nhà nước so với các DN tư nhân hoạt động có hiệu quả sẽ làm giảm năng suất chung”, HSBC đánh giá.

Đặc biệt, theo HSBC, Chính phủ đang chịu nhiều áp lực để đẩy mạnh quá trình cải cách khu vực DN Nhà nước để hoàn tất Hiệp định TPP. Trong năm 2015, Chính phủ đã lên kế hoạch cổ phần hóa 289 DN Nhà nước, nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành cổ phần hóa 94 DN. Trong khi quá trình cổ phần hóa đang được thực hiện chậm chạp, HSBC cho rằng, thật sai lầm khi tập trung vào số lượng. Thay vào đó, thử nghiệm thực tế là Chính phủ sẵn sàng tư nhân hóa ở mức độ như thế nào và cho phép sở hữu nước ngoài đến đâu…

Từ phía UBGS cho rằng, lãi suất, tỷ giá có thể tiếp tục duy trì ổn định. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo có xu hướng chậm lại một phần do kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, một phần do cơ cấu kinh tế trong nước chậm được cải cách, chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng. Trong khi đó, dư địa chính sách (tài khóa và tiền tệ) ngày càng bị thu hẹp, khó có thể thực thi chính sách kích thích kinh tế.

“Kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ dao động trong khoảng 6,5 - 6,7%. CPI sẽ cao hơn năm 2015 do giá cả một số mặt hàng cơ bản và dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh”, UBGS dự báo.

Ông Glenn nhận định: “Mặc dù phục hồi toàn diện hơn, nhưng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn ở dưới mức tiềm năng. Áp lực lạm phát khó có khả năng trở thành hiện thực khi khoảng cách chênh lệch sản lượng đáng kể vẫn tiếp tục kéo dài. Dự báo Việt Nam sẽ có thâm hụt kép khi nhập khẩu hàng hóa đẩy cán cân vãng lai vào thâm hụt kéo dài”.

Trên cơ sở dự báo môi trường kinh tế 2015, UBGS kiến nghị, chính sách vĩ mô những tháng cuối năm và 2016 cần tập trung ưu tiên cho hỗ trợ DN, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước.

Tin bài liên quan