Những dấu hiệu hồi sinh
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo) vừa diễn ra, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PV Tex) đang đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định và đã có lãi trở lại.
Theo số liệu của Bộ Công thương, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, PV Tex báo lãi 65 tỷ đồng. Mới đây, PV Tex đã ký hợp đồng gia công với An Phát Holdings và Công ty cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn.
“Với những động thái tích cực, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã có đủ điều kiện để được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Bộ Công thương sẽ báo cáo việc này lên Chính phủ để động viên tâm lý lãnh đạo và cán bộ nhân viên doanh nghiệp”, ông An nói và cho biết thêm, ngoài Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã sẵn sàng để hoạt động trở lại.
"Thời điểm này giá sắn đang cao, nếu vận hành nhà máy thì chi phí vận hành sẽ mất khoảng 7 tỷ đồng và nhà máy không có lãi. Do đó, Bộ Công thương đang tính toán để nhà máy hoạt động có hiệu quả nhất", ông An nói.
Trước đó, các dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đã bị dừng sản xuất. Trong đó, dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ lỗ tới 400 tỷ đồng năm 2016.
"Sau khi hoạt động bình thường trở lại, Thép Việt Trung đã cơ bản khắc phục được những tồn tại. Bộ Công Thương cũng đang cân nhắc xin đưa Nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ trong thời gian tới", ông An cho hay.
Đối với 4 dự án còn lại, cũng đang từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất - kinh doanh dần đi vào ổn định. Trong đó, DQS đang thuê đơn vị triển khai quyết toán, kiểm toán hợp đồng EPC.
Về dự án tàu 104.000 tấn, ông An cho biết, hiện chưa quyết toán được với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy do DQS có nhiều tài sản đầu tư có giá trị cao, khấu hao lớn. Nếu được cho phép giãn khấu hao, thì trên thực tế DQS hoạt động vẫn có lãi.
Theo đại diện Bộ Công thương, trong 6 dự án thua lỗ gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 Hải Phòng, DAP số 2 Lào Cai, Thép Việt Trung, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), đến nay, 2 nhà máy đã bắt đầu kinh doanh có lãi trở lại là DAP số 1 Hải Phòng và Thép Việt Trung.
Liên quan tới 3 dự án đầu tư xây dựng dở dang gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 và Nhà máy bột giấy Phương Nam, thì 2 dự án đầu hiện đang triển khai một số biện pháp đầu tư để hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến tháng 5/2018, mỏ Quý Sa của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỷ đồng.
Dự kiến trong năm nay, hoạt động khai thác sẽ đảm bảo cung cấp cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hơn.
Về Nhà máy bột giấy Phương Nam, tuy đã 3 lần tiến hành bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, nhưng đều không có nhà đầu tư tham gia. Với trường hợp này, ông An cho biết, Bộ Công thương sẽ có những biện pháp xử lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hoàn thành xử lý 12 dự án thua lỗ vào năm 2020
Theo Bộ Công thương, việc xử lý các dự án thua lỗ, đặc biệt là các dự án trước đây đã từng bị dừng hoạt động giờ đây đi vào hoạt động ổn định, thậm chí có dự án đã có lãi trở lại là những tín hiệu tích cực cho thấy định hướng giải quyết là phù hợp, nhiều công đoạn xử lý đã đạt tiến độ kế hoạch.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến tiến độ xử lý gặp vướng mắc, dẫn tới chậm tiến độ so với kế hoach đặt ra, nổi cộm trong đó là việc xử lý các vấn đề phát sinh do tranh chấp tại các hợp đồng EPC của dự án còn chậm.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương cho biết, tranh chấp hợp đồng EPC là vướng mắc lớn nhất trong trong số các vấn đề còn tồn tại thuộc 12 dự án thua lỗ bởi tính chất phức tạp.
Một số dự án có quy mô lớn và kéo dài qua nhiều năm, lại phát sinh nhiều tranh chấp về hợp đồng, nên càng gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết.
"Chẳng hạn, tranh chấp tại dự án Nhà máy sơ xợi Đình Vũ đã có quyết định đưa ra trọng tài quốc tế tại Singapore vào cuối năm nay do các bên không thống nhất được phương án giải quyết. Việc không thể dứt điểm được tranh chấp đã làm chậm trễ khâu quyết toán hoàn thành dự án, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ xử lý", ông Hưng nêu ví dụ.
Bên cạnh những khó khăn và chậm trễ từ việc giải quyết tranh chấp, quyết toán với nhà thầu, nhiều dự án còn lâm vào cảnh thiếu vốn để tái khởi động sản xuất do không được khoanh nợ, giãn nợ, xử lý khấu hao. Đây cũng là những tồn tại kéo dài khiến nhiều dự án bỏ lỡ cơ hội phục hồi.
Đơn cử, tại DQS, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chậm phục hồi là do chịu mức khấu hao lớn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng từng chia sẻ, cùng với việc thuê đơn vị triển khai quyết toán, kiểm toán hợp đồng EPC, tìm phương án quyết toán giá trị dự án tàu 104.000 tấn, DQS đang tìm hướng thanh lý tài sản không cần thiết và đề xuất nếu được giãn thời gian khấu hao thì DQS vẫn có thể hoạt động có lãi trở lại.
Song, vấn đề này vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm khi tại báo cáo mới nhất tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An tiếp tục nhắc lại đề xuất này.
“Trong số 12 dự án thua lỗ, sau thời gian xử lý trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nhiều dự án đã vận hành trở lại và dần đi vào ổn định, bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án”, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của 12 dự án ước đạt 58.045,74 tỷ đồng, tăng 366,72 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016; tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án là âm 33,41 tỷ đồng, giảm 4.018,55 tỷ đồng; nhưng tổng nợ phải trả là 58.504,20 tỷ đồng, tăng 3.440,82 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016.
Về dư nợ tín dụng tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, tính đến 31/01/2018, tổng số dư cấp tín dụng cho 12 dự án là 20.847 tỷ đồng, giảm 193 tỷ đồng so với thời điểm 28/2/2017.
Mong Chính phủ cho phép được dùng tài chính của tập đoàn để chi trả hoạt động của các nhà máy
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Cũng như nhiều dự án đang khó khăn khác, các dự án thua lỗ của PVN đang gặp nhiều vướng mắc trong việc xử lý do thiếu vốn để khôi phục sản xuất vì hầu như không được khoanh, giãn nợ và xử lý khấu hao.
Để tháo gỡ vướng mắc này, PVN mong Chính phủ cho phép được dùng tài chính của Tập đoàn để chi trả hoạt động của các nhà máy với tư cách là nhà đầu tư với điều kiện thời gian thu hồi vốn được xác định rõ.
Nếu được áp dụng cơ chế này, các dự án nhà máy của Tập đoàn đang gặp khó khăn sẽ có nguồn vốn đầu tư để khởi động lại sản xuất và sớm thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Bên cạnh đó, đối với việc xử lý các tranh chấp hợp đồng, do việc xem xét và thống nhất phương án giải quyết với các đối tác thường mất khá nhiều thời gian, nên các đối tác cũng đề nghị Chính phủ cam kết bảo đảm quyền lợi của họ thông qua việc đảm bảo ổn định nguồn cung cấp điện tại Khu công nghiệp Đình Vũ, cũng như có các giải pháp điều chỉnh nhập khẩu polyester để giúp doanh nghiệp có thị trường, phục hồi việc vận hành toàn bộ nhà máy.
Cần có nguồn lực để đảm bảo khôi phục và duy trì được sản xuất
Đại diện Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình
Hiện nay, tình hình tài chính của Đạm Ninh Bình trong quý II/2018 vẫn trong trạng thái mất cân đối, Công ty chưa chủ động được dòng tiền để thực hiện thanh toán các nghĩa vụ nợ tới hạn, mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình doanh thu tiêu thụ.
Trong khi đó, Công ty vẫn phải nỗ lực đàm phán với các đại lý để vay được vốn để mua than phục vụ chạy máy duy trì sản xuất. Do đó, để có thể trả nợ, điều kiện tiên quyết là Công ty cần có nguồn lực để đảm bảo khôi phục và duy trì được sản xuất, phục hồi hoạt động kinh doanh.
Hiện Đạm Ninh Bình đang phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cùng làm việc với các bộ, ngành để có cơ chế hỗ trợ, giải quyết các khó khăn và tháo gỡ các vướng mắc, sớm có giải pháp giúp Công ty phục hồi sản xuất và thoát khỏi tình trạng thua lỗ, nợ nần.
Trước mắt, chúng tôi đề xuất Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho giãn nợ, giảm lãi suất trong 5 năm đầu và sẽ tiếp tục tăng dần khi Đạm Ninh Bình hoạt động ổn định trở lại, thực hiện khoanh nợ trong vòng 5 năm, từ 2018 đến hết 2022, để giảm khó khăn về dòng tiền và hỗ trợ Công ty có nguồn vốn tiếp tục ổn định sản xuất.