100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

(ĐTCK) Sẽ hình thành gói tín dụng ưu đãi với tổng trị giá khoảng 100.000 tỷ đồng dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đây là một trong những nội dung chính được Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Chính phủ chủ trì ngày 19/12. 

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, tính đến cuối 2016, số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ hơn 3300 doanh nghiệp, trong đó xấp xỉ 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy, chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ đã giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp trong thời gian gần đây.

Cụ thể, đối với ngành điện tử: tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy;

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).

Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa được chú trọng. Phần lớn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI thực hiện khâu nghiên cứu tại nước ngoài, còn tại Việt Nam đầu tư ít trong lĩnh vực này.

Quy mô và năng lực doanh nghiệp còn hạn chế, số lượng còn ít. Cả nước chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nội địa và chỉ 300 doanh nghiệp tham gia vào tập đoàn đa quốc gia, số lượng tham gia chưa nhiều, doanh nghiệp khó tìm nguồn cung ứng cho sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Năng lực sản xuất còn thấp, trong nước chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ còn thấp, doanh nghiệp trong nước chưa tuân thủ chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia.

Đánh giá tổng quan về khung pháp lý cho sự phát triển của ngành, theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã có hàng loạt các văn bản liên quan được ban hành, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhu cầu hỗ trợ là lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế. Đã có 35 hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng các dự án này tập trung phần lớn doanh nghiệp FDI.

Để tạo nền tảng thuận lợi và hỗ trợ ngành công nghiệp quan trọng này tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu và tiêu dùng nội địa, chiếm 25% giá trị xuất khẩu; năm 2030 đáp ứng được 70% nhu cầu.

Để thực hiện được mục tiêu này, người đứng đầu Bộ Công thương để xuất hàng loạt các giải pháp về chính sách và phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường.

Đặc biệt, trong giải pháp tài chính đề xuất hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỷ đồng - với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao - để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ, trong đó có việc ưu tiên về tín dụng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

“Nếu nhà nước chi mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất 2%, sẽ có một dư nợ cho vay khoảng 100.000 tỷ đồng (2.000 tỷ/2%). Nếu số vốn này có vòng quay là 1,5 vòng/năm sẽ tạo ra doanh thu khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7 tỷ USD doanh thu, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và đến 2030, tỷ lệ này đạt 70%.

Đưa ra định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số vào thực tế ở Việt Nam, trong công nghiệp hỗ trợ.

“Chúng ta không thể làm hết tất cả các phụ tùng, chi tiết liên quan nhưng nếu làm được 40-45% chi tiết phụ tùng thành công tại Việt Nam là đã đạt được thành công cơ bản trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong việc hỗ trợ, dẫn dắt doanh nhiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển, đặc biệt tập trung quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, các bộ chức năng chủ trì nghiên cứu, đề xuất các trung tâm nghiên cứu phát triển này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm.

Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh cơ chế tiếp cận quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, với sự hướng dẫn của Bộ Công Thương, một số địa phương cần có chương trình hành động để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đinh hướng cụ thể, Thủ tướng nêu một số giải pháp lớn.

Theo đó, chú trọng khu vực tư nhân, coi đây động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp đất nước nói chung, đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo định hướng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, tập trung đào tạo phát triển nhân lực ngành công nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ.

Giao việc ngay tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp về các vướng mắc trong thực hiện các quy định về thuế, phí, thủ tục hoàn thuế, khấu trừ thuế, hải quan. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 125 năm 2017, xem xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.

Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Về trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng là hơn 26 tỷ USD, tăng hơn 24% so với 2015. Nếu tính cả các ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, da – giày, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu cho các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là các Trung Quốc; Hàn Quốc; Mỹ; Nhật Bản.

Công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như phụ tùng linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị. Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. 

Tin bài liên quan