Bên trong một trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Tiki.

Bên trong một trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Tiki.

Thương mại điện tử - kẻ lỗ vì mở kho, người mê 'showbiz hóa'

Để câu khách, Tiki và Lazada không chỉ cùng "khuyến mãi chớp nhoáng" và giảm giá triền miên, mà sở hữu "chiêu" riêng.

Chiếm trọn tầng 3 tại một tòa nhà văn phòng hạng A ở quận 10 (TP.HCM), trụ sở chính của Tiki đã đầy chỗ. Dù mới chuyển văn phòng từ đầu năm nay, nhưng ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tiki nói có thể sẽ phải thuê thêm tầng nữa. 

Tuy nhiên, khối văn phòng chỉ là một phần nhỏ trong việc mở rộng hạ tầng, nhất là năng lực các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của startup nội địa này. 

"Trước đây, mỗi lần mở báo lên xem thì thấy bàn về tiền đầu tư vào Tiki thế nào, sao lỗ nhiều thế, thì đây, nguồn vốn chúng tôi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống vận hành, kho bãi", ông Sơn giải thích công ty đang có hơn 30.000 m2 nhà kho và kỳ vọng 6-8 tháng tới có 100.000 m2, sau cú bắt tay với Unidepot.

Ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Tiki là người khơi màu cuộc chiến tốc độ giao hàng, với 'Tiki Now'. Với việc mở rộng nền tảng năng lực kho bãi, tốc độ dường như vẫn là "át chủ bài" để lôi kéo người mua hàng của trang này.

"Một phần chiến lược dài hạn của chúng tôi là nhanh hơn và nhiều hơn", ông Sơn xác nhận. Hiện Tiki có hơn 100.000 sản phẩm giao được 2 giờ và đang mở rộng dịch vụ sang giao 3 giờ, giao trong ngày đến qua ngày để lượng sản phẩm tăng lên vài trăm nghìn đến triệu sản phẩm có thể cung cấp.

Thương mại điện tử - kẻ lỗ vì mở kho, người mê 'showbiz hóa' ảnh 1

Tiki và Lazada nằm trong top 3 sàn thương mại điện tử nhiều truy cập nhất vào quý I/2019. Nguồn: iPrice

Tiki 2 giờ lần lượt kéo theo những dịch vụ như 'Shopee nhận hàng 4 giờ', 'Sendo giao hàng 3 giờ' hay thậm chí là Lotte.vn tung 'Giao nhanh chớp mắt' trong 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ. 

"Hôm tôi đặt một quyển sách có trong danh mục giao 4 giờ của Shopee lúc 9h40 nhưng 10h40 đã nhận được hàng, sớm hơn cả dự kiến", chị Hân Lê nhận hàng ở quận 1 nói.

Tuy nhiên, danh mục sản phẩm giao nhanh của Tiki hiện vẫn lớn nhất trong các trang thương mại điện tử, bởi đặc trưng của mô hình "managed marketplace", tức tất cả hàng phải về kho Tiki rồi mới giao nên chủ động được thời gian. Đó cũng là lý do hãng này cần đổ thêm tiền làm kho.

Trong khi đó, tại một số sàn khác, mô hình "marketplace" thông thường cho phép người bán chủ động giao hàng nên khó lòng cam đoan thời gian. Những sản phẩm vốn được đưa vào danh mục giao nhanh chủ yếu chỉ là hàng tạp hóa hay sách. Đó cũng là lý do họ tìm hướng khác để lôi kéo khách hàng.

Đơn cử như Lazada, ngoại binh lâu năm trên thị trường, gần đây "lột xác" theo hướng "showbiz hóa". Giữa cuối tháng 6/2019, Lazada thay đổi nhận diện thương hiệu sang hình trái tim. Lãnh đạo Lazada khu vực nói đây là một phần trong chiến lược triển khai hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment). 

"Chúng tôi đang nắm bắt ‘nhịp đập’ của khu vực bằng việc quan sát hành vi, cách tiếp cận và cách người tiêu dùng sử dụng nền tảng mua sắm của chúng tôi. Đồng thời, tiên phong về thương mại điện tử trong việc tái định nghĩa trải nghiệm của cả người mua và người bán thông qua các tính năng mới và công cụ sáng tạo", Mary Zhou, Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Lazada nói.

Từ năm trước, Lazada đã bắt thị hiếu rất nhanh khi trào lưu bán hàng qua 'livestream' rầm rộ xuất hiện trên Facebook. Sàn thương mại điện tử này cũng lao vào thuê các nghệ sỹ, người nổi tiếng, nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tổ chức 'livestream' đánh giá sản phẩm, bán hàng, chơi trò chơi cùng người xem... Đến nay, trang này vẫn miệt mài tổ chức các sự kiện như thế.

Cuối tháng 3/2019, khái niệm 'shoppertainment' được đẩy lên cao trào với một đại nhạc hội mừng sinh nhật có góp mặt của siêu sao Dua Lipa, biểu diễn ở Indonesia. Lazada Việt Nam thuê một nhóm nghệ sỹ trẻ sang để livestream, thu hút sự theo dõi của người xem. Sự kiện lần đó thu hút 12 triệu lượt xem trên toàn Đông Nam Á. Doanh số cả khu vực của Lazada trong 24 giờ ngày 27/03 tăng 15 lần so với doanh số trung bình.

Ngoài tăng tính giải trí, để giải bài toán niềm tin tiêu dùng, vốn dễ bị lung lay bởi những cửa hàng chất lượng kém trên sàn, Lazada Việt Nam còn tung chiến lược JBP (Joint Business Plan) để phân phối hàng chính hãng của thương hiệu lớn.

Đó là lý do mà chỉ tính từ tháng 5/2019 đến nay, sàn này liên tục công bố ký hợp tác chiến lược với hàng loạt thương hiệu như Realme, Lock&Lock, Bosch hay FrieslandCampina Việt Nam... để mở các gian hàng chính hãng của Estée Lauder hay Sulwhasoo...

Trong một bình luận gần đây trên trang Tech In Asia về cách để thu hút người dùng ở Đông Nam Á, ông Nguyễn Quang Thuật - Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Sen Đỏ chỉ ra 3 yếu tố cốt lõi là: hiểu được mobile đang là 'vua', nắm được sự phức tạp của logistics và mang đến tùy chọn thanh toán linh hoạt. Trong cuộc chơi thương mại điện tử hiện nay, hành động phải là 'chơi lớn'.

"Chơi lớn để nắm bắt cơ hội. Không còn nữa kiểu 'chờ xem', kiểu thử nghiệm hay những phen đánh cược nhỏ. Điều quan trọng là phải nghĩ lớn hơn về hệ sinh thái kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội và không bị bỏ lại phía sau", ông nói.

Tin bài liên quan