Shopee đã lỗ hàng nghìn tỷ đồng sau 3 năm hoạt động và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Shopee đã lỗ hàng nghìn tỷ đồng sau 3 năm hoạt động và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thương mại điện tử, cuộc chơi đốt tiền

(ĐTCK) Có thể nói, năm 2019 là một năm buồn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi chứng kiến sự ra đi của hàng loạt tên tuổi như Adayroi, Lotte.vn, Robin.vn, Deca.vn…, dù trước đó được đầu tư mạnh với nhiều kỳ vọng.

Sàn thương mại điện tử Adayroi của Tập đoàn Vingroup đã chính thức đóng cửa vào ngày 20/12 vừa qua, khép lại hành trình 4 năm gia nhập thị trường.

Theo báo cáo của  iPrice Insights, lượng truy cập của Adayroi đạt 7,016 triệu lượt, xếp thứ 8 trong nhóm các thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (sau Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động, Sen Ðỏ, Ðiện máy xanh và FPT Shop).

Trước đó, lãnh đạo Adayroi từng bày tỏ tham vọng và dành nhiều nguồn lực cho sàn thương mại điện tử này.

Sau Adayroi, trang thương mại điện tử của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam là Lotte.vn cũng ra thông báo ngừng hoạt động từ 20/1/2020 với lý do “để hoàn tất công nợ với các đối tác trước ngày 20/2/2020”.

Lotte.vn đóng cửa sau 3 năm hoạt động khi số lượt truy cập liên tục sụt giảm. Iprice Insights cho biết, quý III/2019, Lotte.vn có hơn 965.000 lượt truy cập, giảm mạnh so với con số hơn 3,3 triệu lượt của cùng kỳ 2018.

Ngoài ra, thị trường còn chứng kiến sự ra đi của một số tên tuổi khác như Robin.vn (của Tập đoàn Thái Lan Central Group - đơn vị sở hữu chuỗi hệ thống siêu thị BigC, Nguyễn Kim), vuivui.com (của Thế giới di động)…

Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2018 lên 15 tỷ USD vào năm 2025, tương đương tăng trưởng hơn 43%/năm. Còn theo theo số liệu từ Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ - B2C (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam năm 2018 ước đạt 8,06 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017.

Tiềm năng là vậy, nhưng hiện tại, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử đều đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức và đã có những tên tuổi phải dừng cuộc chơi như Adayroi, Lotte.vn…

Trong khi đó, những doanh nghiệp còn bám trụ lại như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… thì vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa có lãi.

Ðơn cử, tại Shopee, dù mới tham gia thị trường Việt Nam từ 3 năm trước, nhưng đến nay, Shopee đã ghi nhận lỗ hàng nghìn tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại khi đang tiếp tục chi đậm cho các khoản marketing để duy trì hoạt động.

Một tên tuổi khác trong “làng” thường mại điện tử cũng đang lao vào vòng xoáy đốt tiền là Công ty cổ phần VNG. Hiện chưa có báo cáo quý III/2019, nhưng báo cáo soát xét bán niên năm 2019 cho thấy, tính đến 30/6/2019, VNG lỗ 506,2 tỷ đồng khi đầu tư vào thương mại điện tử.

Cụ thể, hết năm 2018, VNG ghi nhận lỗ 472,8 tỷ đồng tại Tiki và 6 tháng đầu năm 2019 “nướng” thêm 33,4 tỷ đồng. Ðược biết, hiện VNG đang nắm giữ 24,6% quyền sở hữu tại Công ty cổ phần Tiki.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-2018 lên tới 9.400 tỷ đồng.

Tính chung, mỗi doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.

“Ðầu tư vào lĩnh vực thuần điện tử như thương mại điện tử, ví điện tử, gọi xe điện tử… là một canh bạc, mà mới bắt đầu vào chơi thì đốt 10 triệu USD, chơi khá hơn thì trăm triệu USD và cuối cùng là tỷ USD”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT ví von khi nói tới chi phí đầu tư lĩnh vực này tại hội thảo “Hành trình từ 0 đến 1 - Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng” tổ chức mới đây.

CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nhìn nhận, thương mại điện tử là một cuộc đua rất khó cạnh tranh, muốn tồn tại cần có sự khác biệt và tập trung phục vụ tốt 4 yếu tố hàng hóa, giá cả, chất lượng và dịch vụ chăm sóc.

Dù thua lỗ, nhưng nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn đang dấn bước, bởi tiềm năng từ thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam là hiện hữu, điều quan trọng là doanh nghiệp phải giải được bài toán hiệu quả.

Trong đó, nâng cao trải nghiệm cho người dùng bằng những tiện ích của công nghệ là một trong những giải pháp. Báo cáo của Google và Temasek cho hay, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ sẽ tăng từ 3% năm 2018 lên hơn 10% năm 2025.

Tin bài liên quan