Bà Ðặng Thanh Vân, Chủ tịch Công ty cổ phần Thương hiệu và Quản trị Thanhs cho rằng, một điểm rất yếu trong việc xây dựng thương hiệu Việt là khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp.
“Ví dụ, chúng ta chào hàng ở nước ngoài thường đi theo nhóm các doanh nghiệp ngang hàng, cùng trong một hiệp hội, tức là không có nhiều giá trị khác biệt. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, họ liên kết theo chiều dọc, theo chuỗi giá trị, chẳng hạn doanh nghiệp sản xuất đi với doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp luật, tư vấn”, bà Vân cho biết.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - CTCP (Vingroup) nhận định, nền kinh tế Việt Nam hiện nay có sức cạnh tranh không cao. Từng doanh nghiệp phải có ý thức và biện pháp để vươn lên, một trong những vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần liên kết với nhau.
Lấy ví dụ thực tiễn từ Vingroup, ông Hiệp cho hay, một thành viên của Tập đoàn là VinEco lúc đầu tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ xây dựng một mình, sau một thời gian ngắn đã điều chỉnh để liên kết với các doanh nghiệp và nhà sản xuất lớn.
Hiện tại, Vingroup đang liên kết với 1.000 doanh nghiệp như vậy. Tuy nhiên, cần cam kết, nếu làm đúng quy trình, sản phẩm luôn tốt thì Tập đoàn sẽ đưa sản phẩm của họ vào hệ thống VinMart tiêu thụ.
Ðối với VinFast, Vingroup đang kết hợp với các nhà sản xuất ô tô ở các nước, mục tiêu lâu dài là chuyển sang liên kết với các nhà sản xuất của Việt Nam. Thậm chí, trong chính sách của Tập đoàn có một bộ phận quan trọng lo việc nội địa hóa.
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận xét, Vingroup là một mô hình thành công khi nói về thương hiệu Việt và kết nối thương hiệu Việt.
Theo ông Mại, thương hiệu Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, nếu biết nhân rộng những mô hình đã thành công. Cần cho thế giới thấy, Việt Nam không chỉ là một quốc gia đang phát triển, mà còn là nơi đáng sống, đáng đi du lịch.
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, quan điểm của Tân Hiệp Phát là không thể đi một mình để phát triển, mà phải có sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng.
“Tân Hiệp Phát đã có sự phát triển trong tư duy, trước đây, nhà cung cấp chỉ là mua đứt - bán đoạn, nhưng sau đó là đối tác. Có nghĩa là cần có sự chung tay xây dựng đạo đức kinh doanh. Theo đó, nếu phải chia hoa hồng cho ai đó thì vẫn phải cắt ra trong chi phí từ sản phẩm, vì thế cần xây dựng môi trường có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng, chứ không phải chỉ có lợi nhuận tức thời”, bà Uyên Phương nói.
Theo ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là câu chuyện thời gian và nguồn lực cho kết nối thương hiệu Việt.
Do đó, ông Trường đề xuất, đầu tiên, cần ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng.
Tiếp theo, kết nối tam giác nhà nước - doanh nghiệp - người dân; tiếp cận với khái niệm thương hiệu chủ lực, từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực, thương hiệu chủ lực.
Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tàu phát triển; các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện chiến lược “núp bóng”.