1. Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc ngành ô tô, giám sát Dự án VinFast của Vingroup vừa có một chuyến công tác dài ngày tại Nhật Bản.
Ông kể, trong chuyến công tác có viếng thăm một nhà máy sản xuất khuôn nổi tiếng của Nhật. Nhưng điều thú vị không hẳn ở những câu chuyện mà vị Chủ tịch đã 84 tuổi của công ty ấy kể, mà là ông Huệ đã bất ngờ được gặp những thanh niên Việt Nam đang làm việc ở đó. Gặp nhau, tay bắt mặt vui, hẹn nhau sẽ tụ về làm tại nhà máy của Vinfast ở Hải Phòng. “Có gì vui bằng!”, ông Huệ bảo thế.
Mẫu xe sedan được nhiều người dân yêu thích nhất của Vinfast.
Và rồi, giữa tháng 1/2018, khi VinFast công bố mua bản quyền của BMW để sản xuất ô tô, trên trang cá nhân của mình, ông Huệ đã chia sẻ câu chuyện của 21 năm trước.
Khi đó, ông và nhóm chuyên gia người Đức, các đồng nghiệp Việt Nam - Philippines đã ôm nhau chúc mừng chiếc xe BMW 520i, sản phẩm xe lắp ráp đầu tiên của liên doanh VMC (Liên doanh Hòa Bình) - BMW, lăn bánh trên đường. Ông đã đích thân lái thử chiếc xe đó.
“Đó là những giây phút thật thú vị, không bao giờ quên được. Và bây giờ, cánh cửa tương lai của đề án xe thương hiệu Việt Nam vừa hé mở”, ông Huệ, người đã có tới 26 năm làm việc cho BMW và 10 năm thành công với Bosch Việt Nam, người được coi là “không ai hợp hơn” với Vinfast, đã chia sẻ như vậy.
“Sẽ vui ngày mới!”, ông nói, một cách đầy hồ hởi.
2. Không biết tới bao giờ, ước mơ “sẽ vui ngày mới” của ông Huệ mới trở thành hiện thực. Nhưng có một điều chắc chắn, khi Vingroup bất ngờ tuyên bố sản xuất ô tô thương hiệu Việt tại Hải Phòng, với công suất dự kiến 500.000 xe/năm vào năm 2025, từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực, dư luận không khỏi ngỡ ngàng, vui mừng. Và… cả hoài nghi.
Hoài nghi cũng phải, bởi dù tin và đặt nhiều kỳ vọng ở Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đến mấy, cũng không thể không biết rằng, Vinfast còn khoảng cách rất xa với những Ford, những Toyota, hay Honda, BMW, Mercedes… có truyền thống cả trăm năm, hàng chục năm, với những thương hiệu đình đám toàn cầu.
Làm ô tô thương hiệu Việt ư, có “hoang tưởng” quá không khi ngay cả một nền công nghiệp lắp ráp ô tô, do các nhà đầu tư ngoại ồ ạt dốc vốn vào, mà cũng chưa thể thành công?
Cũng tương tự như thế, Bkav - Bphone thậm chí còn xa vời với những Samsung, Apple, LG, thậm chí là cả Oppo, Xiaomi hơn là cả Vinfast với BMW.
Nhưng cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cả Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng đều đã nuôi tham vọng lớn.
Đã có sự khác nhau giữa hai doanh nhân này. Khi Phạm Nhật Vượng nói về Vinfast, dù nghi ngờ, song không ít người ủng hộ. Dễ hiểu, bởi tỷ phú này đã ghi dấu ấn thành công của mình với hệ thống các công trình, dự án khắp trong Nam ngoài Bắc. Còn Nguyễn Tử Quảng, sau thất bại của Bphone đời đầu, dẫu đã tiếp tục đứng lên với Bphone 2017, thì những ánh mắt nghi ngờ vẫn còn đó. Thậm chí, là “ném đá”, là dè bỉu không thương tiếc, đến nỗi Nguyễn Tử Quảng đã có giai đoạn bị trầm cảm nặng, mãi mới vượt qua được. Trót mang danh Quảng “nổ”, người ta nghi ngờ cũng là phải…
Dẫu đã tiếp tục đứng lên với Bphone 2017, Nguyễn Tử Quảng vẫn không thoát khỏi những ánh mắt nghi ngờ.
Tin hay không là quyền của mỗi người. Nhưng giá mà chúng ta dành cho thương hiệu Việt một cơ hội, ít ra được đối xử công bằng như với những thương hiệu khác, cũng nâng lên đặt xuống, cũng xem xét cẩn trọng, trước khi quyết định mua hay không mua sản phẩm đó.
Là cơ hội một cách công bằng, chứ không phải bằng khẩu hiệu sáo rỗng, rằng “người Việt dùng hàng Việt”, bất chấp chất lượng ra sao. Chính ông Nguyễn Tử Quảng khi tiếp xúc với báo giới đã bật khóc mà rằng, ông không “ăn mày” tinh thần dân tộc, chỉ cần người tiêu dùng Việt biết cách đặt niềm tin vào doanh nghiệp Việt.
“Dù bản thân tôi mong muốn người Việt dùng hàng Việt nhưng tuyệt đối không ép buộc người khác”, ông Quảng đã nói như vậy.
Đúng là còn một khoảng cách quá xa. Chẳng ai tin Việt Nam sẽ sản xuất được ô tô, được điện thoại di động. Nhưng hãy nhớ, có một thời, ngay cả Samsung cũng nằm ở “chiếu dưới”.
Năm 1993, khi bước chân vào một gian hàng điện tử tại Mỹ, Chủ tịch Lee Kun Hee đã thấy những chiếc TV của Sony, Panasonic bày lên trước, trong khi TV của Samsung phủ bụi nằm phía sau. Hoàn toàn không vui, vị Chủ tịch sau đó đã quyết định chính sách “Quản lý mới”, với câu nói bất hủ “hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con bạn” và đây chính là sự bắt đầu cho một quá trình cải tổ ở Samsung, mà nhờ vậy mới có một Samsung đứng đầu hôm nay.
Ngay cả Xiaomi mấy năm trước cũng chỉ là một công ty không tên tuổi, nhưng nay đã vươn mình trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc, với trị giá hơn 50 tỷ USD.
Còn ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT đã chia sẻ rằng, những Tata TCS, Infosys, Wipro, HCL… cũng từng “không có gì”. Nhưng hôm nay, Infosys đã trở thành đại công ty với số nhân viên hơn 200.000, còn Tata TCS có 387.000 nhân viên.
Tổng số nhân viên của 5 công ty phần mềm lớn nhất Ấn Độ là Tata TCS, Infosys, Wipro, HCL và Tech Mahindra lên đến 1 triệu người. Số người làm phần mềm Ấn Độ còn lớn hơn dân số của 55 quốc gia trên thế giới, nhiều hơn dân số của các nước Slovenia, Latvia, Kosovo, Bahrain, Estonia, Bhutan, Luxemburg...
Và thậm chí, Tata TCS, Wipro, Infosys, HCL không còn thuần tuý gia công phần mềm nữa, họ đã tiến lên làm dịch vụ công nghệ thông tin, làm dịch vụ tư vấn, làm sản phẩm phần mềm có bản quyền của riêng mình cung cấp cho nhiều quốc gia trên thế giới…
Họ đã làm được, vậy tại sao, thương hiệu Việt lại không?
Trước BMW, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hợp tác với Bosch, Siemens, Magna Steyr, AVL... để làm ô tô. Hãng đang dùng cách đặt hàng tất cả các chi tiết từ những nhà sản xuất khác nhau trên thế giới, sau đó tổng hợp lại thành xe hoàn chỉnh. Cách làm này tiết kiệm thời gian, chi phí nghiên cứu và đặc biệt phù hợp với các công ty không có nền tảng công nghệ ô tô, cơ khí. Theo kế hoạch đến năm 2019, Vinfast sẽ bán những chiếc ô tô đầu tiên.
Bkav cũng đang chọn cách đi đó. Chẳng dại gì mà không tận dụng những bộ óc khổng lồ, những thành tựu khoa học - kỹ thuật, những công nghệ của các doanh nghiệp đi trước. Đâu phải cứ kỳ cạch sản xuất từ chiếc ốc vít trở đi, mới là làm ra sản phẩm thương hiệu Việt!
Không mơ giấc mơ hão huyền. Nhưng một khi doanh nghiệp Việt dám “nghĩ lớn, làm lớn”, đừng ném đá, mà hãy tin, để truyền thêm khát vọng cho họ.
3. Đội tuyển bóng đá U23 vừa có những chiến thắng tuyệt vời tại Giải Bóng đá U23 châu Á, một giải đấu mà trước nay, Việt Nam cũng chưa từng “bén mảng”. Thế nhưng, kỳ tích đã xảy ra.
Và nhân sự kiện ấy, ông Ngô Trọng Thanh, chuyên gia Marketing, Giám đốc Điều hành Công ty Mancom đã kể trên VnExpress rằng, đầu năm 2010, ông đã ngồi với Henry Lee - một chủ doanh nghiệp gốc Hàn - bên bờ biển Auckland, New Zealand. Khi ấy, Henry có một doanh nghiệp nhỏ tại quốc gia này.
Ông đã nói vui rằng, chỉ một năm nữa thôi, Henry có thể yên tâm khi người con lớn của ông đang học MBA tại Đại học Auckland thay cha quản lý doanh nghiệp. Nhưng Lee phủ nhận. Với Lee, trình độ không quan trọng bằng niềm tin.
Bằng niềm tin ấy, niềm tin của ông và của các nhân viên, dù khởi nghiệp từ bàn tay trắng khi đã gần 60 tuổi nơi xứ lạ, nhưng nay sản phẩm của ông Lee đã phủ sóng ở khắp châu Á, từ Singapore đến Tokyo.
“Ánh mắt kiên định, ẩn chứa một niềm tin mạnh mẽ của huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân cỏ những ngày này làm tôi nhớ đến ông Lee”, ông Ngô Trọng Thanh đã nói như vậy và bảo rằng, đội tuyển Việt Nam đã thắng là bởi vì họ muốn thắng, họ có niềm tin. Ở ông Park, ông Ngô Trọng Thanh đã nhìn thấy “ngọn lửa niềm tin bền bỉ cháy. Và quan trọng hơn, ông Park biết truyền ngọn lửa ấy cho người khác”.
“Thầy Park đã thuyết giảng một bài học sống động và vô giá về tư duy quản trị, về việc xây dựng niềm tin trong tổ chức. Bài học đó dành cho mọi người, mọi lĩnh vực. Chúng ta đã thắng, vì chúng ta muốn thắng”.
Vinfast muốn thắng. Bkav muốn thắng. Và chắc chắn, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam nữa muốn thắng. Các nhân viên trong các công ty này cũng đều có niềm tin chắc thắng.
Bởi thế, thương hiệu Việt, rồi thì “sẽ có một ngày vui”, dù con đường phía trước còn xa, còn gập ghềnh…