Ngân khoản 2,87 triệu tỷ đồng được xác định sẽ dành cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, được phân cho các vùng, các dự án trọng điểm quốc gia, dự án có tính kết nối, có tác động liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước. Ảnh: Phạm Hoàng. Đồ họa: Đan Nguyễn
Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Để giải quyết dứt điểm, phải có các thuốc “đặc trị”, không phải chỉ bằng quyết tâm chính trị, mà phải bằng cả một kế hoạch đầu tư công trung hạn hiệu quả và có tầm nhìn xa.
Bài 2: Tiền phải đến đúng... địa chỉ
Ngân khoản 2,87 triệu tỷ đồng đã được xác định sẽ dành cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nhưng quan trọng là tiền phải đến đúng địa chỉ và được sử dụng hiệu quả. Để làm được điều đó, lựa chọn dự án là khâu đầu tiên và quan trọng nhất.
Từ chuyện ồ ạt đề xuất xây dựng sân bay…
Chỉ cách đây ít tháng, dư luận không khỏi xôn xao khi các địa phương ồ ạt đề xuất xây dựng sân bay. Không chỉ là xin nâng cấp một số sân bay từ nội địa thành cảng quốc tế, như Liên Khương (Đà Lạt), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…, mà còn là xây dựng sân bay mới.
Tỉnh Cao Bằng muốn đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch, Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay ở huyện Bắc Quang. Trong khi đó, Ninh Bình đề nghị bổ sung sân bay ở huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh, còn Hà Tĩnh muốn xây sân bay quốc tế ở huyện Thạch Hà và huyện Cẩm Xuyên.
Điện Biên, Quảng Nam cũng muốn nâng cấp sân bay hiện có. Tương tự, cả Ninh Thuận, Bình Phước, Bắc Giang… cũng đều muốn xây sân bay, chỗ thì muốn làm mới, chỗ muốn chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng… Và tất nhiên, địa phương nào cũng có lý của mình, rằng xây sân bay là cần thiết.
Thực ra, quyền đề xuất là của địa phương. Có sân bay thì có vẻ cũng tiện mọi bề. Nhưng dư luận mới nghe đã hốt hoảng. Liệu có cần nhiều sân bay thế không, bởi dân Hà Tĩnh có thể đến sân bay Vinh (Nghệ An) hay Đồng Hới (Quảng Bình), khoảng cách không quá xa. Hoặc người dân Ninh Bình có thể tới sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa)…
“Muốn xây sân bay, thì phải dựa trên nhiều yếu tố, như xác định nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải, quy mô, mạng đường bay, khả năng trung chuyển… Chưa kể, chuyện quy hoạch hàng không không chỉ cần tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội, mà còn tính đến sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng”, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam đã nói như vậy tại một cuộc hội thảo về quy hoạch sân bay mới đây.
Không chỉ là chuyện quy hoạch, mà còn là xây nhiều sân bay như thế, lấy nguồn lực ở đâu, khi mà ngân sách còn hạn hẹp, tích lũy chưa nhiều, muốn đầu tư là phải đi vay? Hơn nữa, câu chuyện địa phương ồ ạt đề xuất xây sân bay cũng khiến các chuyên gia kinh tế nhớ lại thời đua nhau đề xuất xây cảng nước sâu, xây nhà máy đóng tàu, vừa lãng phí, vừa kém hiệu quả.
Và không chỉ là sân bay, bến cảng, hay nhà máy đóng tàu, đã có thời, các dự án đầu tư công được phê duyệt tràn lan, tùy tiện, khiến đi tới đâu cũng như đại công trường. Tiền ít, dự án thì nhiều, nên đầu tư manh mún, kém hiệu quả đã đành, làm xong còn không có tiền để thanh toán, nên nợ đọng xây dựng cơ bản dai dẳng. Cả giai đoạn 2016 - 2020, một ngân khoản lớn của kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phải dành để xử lý hậu quả của những quyết định đầu tư tùy tiện.
…đến chuyện khôn ngoan chọn dự án ưu tiên
Những câu chuyện cũ sẽ không còn lặp lại trong giai đoạn 2021 - 2025. Không phải chỉ vì theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ khi xác định được nguồn mới được phê duyệt dự án, mà còn vì ngay từ tháng 7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành
Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 một cách rất rõ ràng.
Nhưng nhu cầu đầu tư thì nhiều, mà nguồn vốn thì ít.
Số liệu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công đến tháng 3/2021, tổng nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 đã lên tới 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,4 triệu tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại thời điểm tháng 10/2020. Khá nhiều bộ, ngành, địa phương đã đề xuất đầu tư quá nhiều dự án mới, mà chưa đảm bảo bố trí đủ cho dự án chuyển tiếp; hay còn phê duyệt dự án vượt quá số vốn theo quy định…
Trong khi đó, ngân khoản của Kế hoạch Đầu tư đang được “tạm chốt”, dù đã tăng so với thời điểm báo cáo vào tháng 10/2020, nhưng cũng chỉ là 2,87 triệu tỷ đồng, hụt hơn 1 triệu tỷ đồng so với nhu cầu.
“Nguồn lực có hạn, phải đưa ra các định hướng ưu tiên, dự án nào có tác động lớn tới kinh tế - xã hội địa phương thì lựa chọn làm trước”, hơn một lần, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh.
Thấu hiểu điều đó, nên dù nhu cầu đầu tư rất lớn, từ tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Bình Định, hay Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đến nâng cấp các tuyến quốc lộ 19B và 19C đoạn qua tỉnh Bình Định, xây dựng cầu Thị Nại 2, đường ven biển, đập dâng Phú Phong, cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan…, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, những dự án ưu tiên của tỉnh là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định và đường cao tốc nối Quy Nhơn với Pleiku…
Ủng hộ việc thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Bình Định, bởi cao tốc là phải thông toàn tuyến mới hiệu quả, nếu làm chậm sẽ làm chậm đi cơ hội phát triển của đất nước, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lại băn khoăn với đề xuất về tuyến cao tốc nối Quy Nhơn với Pleiku.
Lý do là, dù có cao tốc sẽ kéo gần Tây Nguyên với Bình Định hơn, nhưng làm cao tốc còn liên quan đến nguồn lực, đến khả năng tham gia của người dân… Bởi thế, lựa chọn ưu tiên có thể là vẫn quy hoạch làm cao tốc, nhưng theo lộ trình, trước tiên làm đường tốc độ cao, sau đó sẽ cân nhắc để làm cao tốc.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông xác định rất rõ rằng, Sơn La muốn được đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, bởi con đường này không chỉ giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 6, góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, mà còn tránh được các đoạn tuyến có đèo dốc quanh co, nhất là các đoạn tuyến sương mù dày đặc rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, nhưng trước mắt, cũng chỉ đề xuất đầu tư một đoạn tuyến và trước tiên chỉ làm đường có bề rộng nền đường đảm bảo hai làn xe chạy được tốc độ cao. Chuyện làm đường cao tốc thì có thể… “tính sau”.
Nguồn lực có hạn, thì không thể dự án nào cũng chọn. Ngay như ngành giao thông - vận tải, dự kiến được bố trí nhiều nguồn lực đầu tư công trung hạn nhất trong số các ngành kinh tế, cũng phải “nâng lên, đặt xuống” rất nhiều trước khi quyết định lựa chọn các dự án sẽ đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
“Các dự án được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí là công trình động lực quan trọng của quốc gia, quy mô lớn, kết nối liên vùng và phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nói.
Tiền sẽ đến đúng… địa chỉ
5 năm trước, khi kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tiên được triển khai, do nguồn lực phải dành quá nhiều cho việc xử lý hậu quả của việc đầu tư manh mún, tràn lan giai đoạn trước, nên “cái khó bó cái khôn”, không nhiều dự lớn tốt được lựa chọn. Nhưng nay, câu chuyện sẽ khác.
Cùng với việc báo cáo lên Quốc hội Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đặt lên bàn các đại biểu Quốc hội danh mục 4.979 dự án dự kiến được đầu tư trong 5 năm tới (ngoại trừ một số dự án quốc phòng, an ninh), giảm một nửa so với giai đoạn 2016 -2020. Trong số này, có 2.236 dự án khởi công mới. Ngân khoản lớn hơn, số dự án giảm một nửa, nên số vốn bố trí bình quân cho một dự án đã tăng vọt lên trên 210 tỷ đồng.
“Như vậy, số dự án thực hiện trong giai đoạn tới đây đã giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020 và so với giai đoạn trước nữa thì giảm đến 4 lần. Mức bố trí cho từng dự án đã tăng lên đến 2,4 lần. Tôi thấy đây là một cố gắng, nỗ lực để khắc phục đầu tư dàn trải và phân tán”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã bày tỏ sự đồng tình khi lần này, các dự án được lựa chọn đầu tư đều là dự án trọng điểm quốc gia, dự án có tính kết nối, có tác động liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước.
“Thực ra, dựa trên nguồn lực được phân bổ, các địa phương có thể chỉ cần chọn đầu tư một dự án động lực, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội, thì sẽ hiệu quả hơn là lựa chọn nhiều dự án mà tác động lan tỏa ít”, một chuyên gia kinh tế nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.
Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 5 năm nữa, dựa trên nguồn lực đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Khi ấy, một loạt công trình cơ bản sẽ hoàn thành, như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM; các tuyến nối vùng Nam Trung bộ với Tây Nguyên…
Khi đó, trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang cũng sẽ hoàn thành. Hành lang kinh tế Đông -Tây; các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được nâng cấp, sửa chữa, hoàn thành…
Chưa kể, còn là cơ sở vật chất các trường đại học có tính chất liên ngành, các dự án thủy lợi, các công trình hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Một kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn xa sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam có nền tảng quan trọng cho tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn sau…
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã bày tỏ sự đồng tình khi lần này, các dự án được lựa chọn đầu tư đều là dự án trọng điểm quốc gia, dự án có tính kết nối, có tác động liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước.
(Còn tiếp)