Thuế nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vào Mỹ tăng vọt từ 0 lên 25%, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) đang chớp cơ hội

Thuế nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vào Mỹ tăng vọt từ 0 lên 25%, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) đang chớp cơ hội

(ĐTCK) ĐHCĐ bất thường năm 2018 của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC) diễn ra sáng 10/11 đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phiếu. Lý do phát hành, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC do có nhà đầu tư muốn mua 35,1% vốn diều lệ cua MPC.

Theo phương án phát hành, giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách của MPC. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Vốn điều lệ sau phát hành là 2.257,2 triệu đồng. Đáng chú ý, MPC cũng trình ĐHCĐ thông qua cho phép nhà đầ tư mua cổ phần chào bán riêng lẻ được mua thêm cổ phần của cổ đông hiện hữu mà không phải thông qua thủ tục chào mua công khai.

Ông Quang tiết lộ, có nhiều nhà đầu tư chiến lược, trong đó có một nhà đầu tư chiến lược muốn mua 35,1% cổ phần, để giữ quyền phủ quyết. Một nhà đầu tư nữa muốn mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ và mua cổ phiếu của gia đinh ông Quang với tỷ lệ lên đến 51%.

“Thực ra họ đòi mua đến 65% tỷ lệ cổ phần nhưng gia đình chúng tôi không bán. Nếu bán thì mức giá kỳ vọng phải cao hơn 30% so với mức giá chào hiện nay. Đến bây giờ có thể kết thúc thương vụ được rồi, nhưng muốn từ giờ đến cuối năm lựa được đối tác tốt nhất cho sự phát triển của Minh Phú”, ông Quang chia sẻ.

Theo MPC, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đưa thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% lên 10% và sẽ lên 25% vào cuối năm 2018 làm cho mặt hàng này trước đây Trung Quốc xuất mạnh vào Mỹ không thể tiếp tục xuất được.

Các khách hàng Mỹ đã gặp và yêu cầu Minh Phú bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc không bán được. MPC thông qua xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40.000 tấn/năm tại phần đất của Minh Phú Hậu Giang.

Vì mặt hàng này không chịu thuế phá giá vào Mỹ nên nguồn tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy này chủ yếu từ tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và tôm loại 2 từ Minh Phú Hậu Giang, Minh Phú Cà Mau. Việc đặt nhà máy sẽ giảm được chi phí vận chuyển tôm nhập khẩu về cũng như tôm tẩm bột xuất đi. Dự kiến lợi nhuận của dự án này sẽ trên 20%.

MPC cho biết, nhu cầu tôm tẩm bột đang rất lớn và Công ty muốn chớp lấy cơ hội này. Theo tiến độ nhà máy này phải đến 2020 mới có sản phẩm với sản lượng 40.000 tấn hết tối đa công suất thì doanh thu khoảng 250-300 triệu USD/năm và dễ lấp đầy công suất.

Giả sử chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không xảy ra, thì với nhà máy này, Minh Phú vẫn có thể cạnh tranh được với Trung Quốc vì với quy trình hiện tại lợi nhuận từ sản phẩm tôm tẩm bột MPC đang làm đã đạt 10-15%. Khi đầu tư nhà máy chế biến tự động giống Trung Quốc thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Trước đây, MPC chưa đầu tư sản phẩm này vì không muốn cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng nhân cơ hội này thì đầu tư để cạnh tranh.

MPC hiện là đơn vị sản xuất tôm đứng đầu thế giới. Đơn vị thứ 2 trên thế giới chỉ bằng 70% sản lượng của MPC. Theo MPC, thị trường tôm thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của MPC.

Tầm nhìn MPC rất lớn nhưng phải có nhà đầu tư chiến lược vào cùng nhìn với chúng tôi cùng làm thì mới đạt mục tiêu là chiếm 25% thị phần toàn cầu. Mức thị phần lớn như vậy mới đủ sức mạnh có ảnh hưởng đến hệ thống siêu thị phân phối. Khi giá giảm, hệ thống phân phối ép giá bán giảm và phân phối là khâu hưởng lợi nhiều nhất.

Ông Quang nhấn mạnh: “MPC là công ty xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong những năm qua do dịch bệnh nên MPC phải bỏ lợi nhuận để bù đắp giữ cho người nuôi không bị thu lỗ. MPC nhìn nhận phải làm cách nào cho người nuôi tôm có lời thì MPC mới có lợi".

"Chúng tôi đã tìm tòi công nghệ nuôi mới, bắt đầu nuôi thử nghiệm từ 2016 và 2018 tăng lên 126 ao nuôi theo công nghệ mới tỷ lệ thành công gần như 100%. Rủi ro nuôi tôm là thời tiết và mưa đã có biện pháp khắc phục bằng công nghệ. Rủi ro quản lý cũng được xử lý bằng hệ thống quản lý hồ nuôi bằng trí tuệ nhân tạo. Ba rủi ro lớn nhất của nuôi tôm đã được khắc phục thì mới có khát vọng nâng thị phần lên 25%. Giải pháp tự động hóa của Minh Phú đã được tìm ra để giảm nhân công”.

Tin bài liên quan