Thuế cho quỹ mở, nên “cởi mở” sớm

Thuế cho quỹ mở, nên “cởi mở” sớm

(ĐTCK) “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để dần thu hút NĐT tham gia quỹ mở thì ở giai đoạn ban đầu, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, trong đó có ưu đãi về thuế…”.

Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), chia sẻ khi trao đổi với ĐTCK.

Trong quá trình tái cơ cấu cơ sở NĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chú trọng phát triển NĐT tổ chức. Thế nhưng, chính sách thuế hiện hành đánh vào NĐT khi đầu tư qua quỹ đầu tư lại cao hơn so với họ đầu tư trực tiếp. Theo ông, đây có phải là một nghịch lý?

Đúng là với quy định pháp lý hiện hành thì nhiều loại thuế suất mà NĐT đầu tư qua quỹ đầu tư đang phải chịu cao hơn so với khi họ đầu tư trực tiếp. Cụ thể như, tổ chức đầu tư nước ngoài bị khấu trừ 25% thuế trên lợi tức nhận được từ quỹ đầu tư, trong khi chỉ phải khấu trừ 5% thuế trên trái tức, hoặc lãi tiền gửi nếu tổ chức đầu tư nước ngoài trực tiếp đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hoặc gửi tiền.

Cũng theo chính sách thuế hiện hành, khi tổ chức đầu tư trong nước thực hiện đầu tư tài chính thì thu nhập từ việc đầu tư như lãi tiền gửi, trái tức, chênh lệch mua bán chứng khoán…, được cộng gộp với kết quả hoạt động kinh doanh chính để kê khai thuế. Khi đó, tổ chức đầu tư trong nước sẽ được cấn trừ các khoản thu nhập lãi với các khoản lỗ (nếu có) để xác định thu nhập tính thuế và số thuế phải nộp tương ứng. Trong khi đó, nếu tổ chức đầu tư trong nước đầu tư thông qua quỹ đầu tư, thì bị khấu trừ ngay tại nguồn, nên không có cơ hội được cấn trừ với các khoản lỗ (nếu có) để xác định thu nhập tính thuế còn lại.

 

Ngoài bất hợp lý vừa nêu, theo ông, chính sách thuế hiện hành còn những bất cập nào khác đang tác động đến sự phát triển của ngành quản lý quỹ đầu tư Việt Nam ?

Chính sách thuế hiện hành chưa có hướng dẫn cho trường hợp tổ chức là NĐT nước ngoài nhận quà tặng là chứng khoán và vốn khác, cũng như chưa có hướng dẫn về thuế khi NĐT bán chứng chỉ quỹ là lợi tức được chia từ quỹ mở. Quy định thuế hiện tại cũng chưa có hướng dẫn đối với thuế thu nhập trong các giao dịch khác của NĐT (như tổ chức nước ngoài đầu tư ủy thác và cá nhân đầu tư ủy thác) khi thực hiện quản lý danh mục đầu tư.

Thu nhập trong các giao dịch khác gồm giao dịch chuyển nhượng vốn, nhận cổ phiếu thay cho cổ tức, cổ phiếu thưởng, lãi trái phiếu, lãi tiền gửi có kỳ hạn… Chính sách thuế hiện tại cũng chưa có quy định cụ thể về cách tính giảm trừ phần lợi tức được miễn hoặc đã chịu thuế ở khâu trước khi quỹ đầu tư chia lợi tức bằng tiền.

Với Thông tư 183/2011/TT-BTC đã có hiệu lực, hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của quỹ mở đã định hình. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới đối với TTCK Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, ở thời gian đầu, để thu hút NĐT đầu tư qua quỹ mở, cơ quan quản lý thường áp dụng một số chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế. Thế nhưng, tại Việt Nam, hiện chưa có cơ chế khuyến khích, trong đó bao gồm cả ưu đãi về thuế khi NĐT tham gia các loại hình quỹ mở. Những bất cập trên đang gây nhiều khó khăn cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ đầu tư Việt Nam.

 

Theo ông, chính sách thuế nên ưu đãi theo hướng nào để khuyến khích quỹ mở phát triển?

Việc miễn hoặc giảm thuế sẽ có tác động đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành quản lý quỹ, nhất là quỹ mở trong điều kiện thị trường khó khăn hiện tại. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, dự báo số lượng quỹ mở sẽ được thành lập rất hạn chế trong khoảng 3 - 5 năm tới. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần xem xét miễn thuế cho NĐT khi đầu tư vào quỹ mở theo các hướng chính sau:

* Thứ nhất, miễn thuế chuyển nhượng chứng khoán 0,1%/giá trị chuyển nhượng.

* Thứ hai, miễn thuế tính trên lợi tức khi quỹ đầu tư chia lợi tức.

* Thứ ba, cho phép giảm trừ số tiền đầu tư vào quỹ mở trong thu nhập từ tiền lương, tiền công, để xác định thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú.

Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần có hướng dẫn đối với trường hợp NĐT bán chứng chỉ quỹ là lợi tức được chia từ quỹ mở, trong đó làm rõ mức thuế suất áp dụng cho từng đối tượng NĐT, cách tính giảm trừ phần lợi tức được miễn thuế, hoặc đã chịu thuế ở khâu trước và chênh lệch giữa giá bán so với giá trị sổ sách của lợi tức.