Theo báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành vào ngày 12/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Ở cấp Trung ương, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3/4 Nghị định liên quan để triển khai Luật, gồm: Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện còn 1 dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của Lãnh đạo Chính phủ.
Ở cấp địa phương, một số tỉnh, thành phố đã chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ví dụ như Hà Nội, Bắc Ninh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Quảng Trị, Bà Rịa Vũng Tàu…
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sau gần 1 năm kể từ khi Luật được ban hành, các chính sách hỗ trợ quy định tại Luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống và đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, ngày 15/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg nhằm đôn đốc công tác tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chỉ thị cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với các bộ ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai luật hiệu quả nhất, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ ngành rất cụ thể với mục tiêu đặt ra là triển khai hiện thực hóa Luật vào cuộc sống để hỗ trợ một cách thiết thực nhất cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, thời gian thực hiện vẫn còn ngắn nên để đánh giá có hiệu quả ngay tác động của Luật thì chưa thể, nhưng cơ bản các nhiệm vụ được Chính phủ giao đã thực hiện nghiêm sách tích cực.
Song để thực hiện hiệu quả, trong thời gian tới cần nâng cao tuyên truyền để đưa thông tin tới các địa phương và các doanh nghiệp có thể nắm bắt chủ trương, chính sách, quyền lợi được hưởng.
“Công tác tuyên truyền là quan trọng nhất, tránh sự phân tán, thiếu đồng bộ, cần tập trung để có bộ hướng dẫn cụ thể tới các địa phương thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách tốt nhất”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 3 Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực phía Bắc, miền Trung và phía Nam; đồng thời phối hợp với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định tại Luật và các Nghị định hướng dẫn tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Hà Nam, Lào Cai, Hà Nội, Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ... Tại các hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được nhiều phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp về những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai Luật. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ, nội dung công việc được giao cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tại Luật và các văn bản hướng dẫn. Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, mục tiêu của Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp Trung ương nhằm cập nhật tiến độ kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tại Chỉ thị số 15/CT-TTg và đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật. Qua đó, đề xuất kiến nghị, giải pháp để giúp đẩy mạnh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác triển khai Luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. |