Là tổ chức đầu tư lớn ở Việt Nam đi đầu trong đầu tư có trách nhiệm Dragon Capital thực hành đầu tư có trách nhiệm cụ thể như thế nào, thưa ông?
Dragon chọn bộ Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội của IFC xây dựng và có điều chỉnh để áp dụng cho Việt Nam trong đầu tư trái phiếu và cổ phiếu. Theo xu hướng phát triển hiện nay, khi đầu tư vốn, chúng tôi phải đánh giá rủi ro tài chính và cả rủi ro phi tài chính.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital |
Khi nói đến yếu tố phi tài chính, trong 2 năm gần đây thế giới nói cụ thể về các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và ảnh hưởng môi trường sinh thái đảm bảo đa dạng sinh học. Đây là 3 vấn đề nổi cộm của giới đầu tư tài chính trên thế giới.
Người ta bắt đầu lo về biến đổi khí hậu và ngày càng có nhiều kiến nghị của cơ quan quản lý đưa ra các quy định để doanh nghiệp phân tích và công bố các ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động của mình đối với biến đổi khí hậu. Đây là một làn sóng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Trước đây, doanh nghiệp chịu sức ép từ công chúng và nhà đầu tư thì bây giờ là sức ép từ cơ quan quản lý. Ví dụ ở Sở Giao dịch chứng khoán London (Anh), khi doanh nghiệp niêm yết thì bắt buộc phải công bố khối lượng CO2 phát thải từ hoạt động. Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) có một trang webiste riêng để nhà đầu tư truy cập tìm hiểu về lượng phát thải của một doanh nghiệp niêm yết. Gần đây nhất, trong tháng 10/2020, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) đã chính thức đề nghị các công ty quản lý quỹ phải đánh giá và công bố với các nhà đầu tư về các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và tỷ trọng hàm lượng carbon trong danh mục đầu tư của các quỹ.
Sức ép càng ngày càng lớn hơn và từ nhiều phía, nhà đầu tư góp vốn, công chúng và từ các cơ quan quản lý. Đầu năm nay, Dragon có đặt đề bài làm thế nào phải trả lời các câu hỏi đó trong danh mục của mình.
Với vấn đề đánh giá rủi ro tiềm ẩn từ biến đổi khí hậu, chúng tôi ký hợp đồng với 1 công ty có hoạt động ở Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ dùng dữ liệu NASA để đánh giá về rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Chẳng hạn, khi đầu tư một khách sạn ở Hội An, hoặc đầu tư vào một nhà máy ở khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo đúng chuẩn mực có 3 vấn đề chính ảnh hưởng đến tài chính cần được đánh giá: (1) Rủi ro vật chất (physical risks), bao gồm dự toán những tổn thất về tài sản, cơ sở hạ tầng đất đai do nước biển dâng, do giông bão ngập lụt gây ra; (2) Rủi ro chuyển đổi (transition risks), là các chi phí để chuyển đổi sang chính sách hoạt động sản xuất xanh, chuyển đổi sử dụng công nghệ mới để giảm thiểu sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và cam kết tiến đến nền kinh tế carbon thấp; (3) Rủi ro về trách nhiệm (liability risk), là khả năng mà có thể các nhà đầu tư sẽ đòi được bồi thường về thiệt hại mà họ phải gánh chịu do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt khi mà họ không được doanh nghiệp công bố chia sẻ trước về rủi ro này trong các báo cáo.
Về tiêu chí khí thải nhà kính, chúng tôi cũng có hợp đồng với 1 công ty để đánh giá. Mặc dù các công ty Việt Nam không công bố, nên không có số liệu, nhưng chúng tôi ước tính dựa trên dữ liệu của công ty cùng ngành trên thế giới để áp dụng tiêu chuẩn tương đương trong đánh giá. Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy trong Thông tư 115/2015 của Bộ Tài chính, Phụ lục số 4 Mục Báo cáo thường niên đã có bổ sung mới quy định các công ty niêm yết phải công bố tổng phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp, cũng như chia sẻ các sáng kiến và biện pháp nhằm giảm thiểu GHG. Mong rằng quy định này sớm được thực thi, vì không thể đánh giá hết phát thải nếu doanh nghiệp không có đánh giá và công bố.
Hai vấn đề này có câu trả lời nhất định ban đầu vào cuối năm nay, riêng vấn đề đảm bảo đa dạng sinh học hơi phức tạp hơn. Chúng tôi đang đối thoại với một số nhà khoa học ở Việt Nam và nước ngoài để đo lường sự tác động đến đa dạng hệ sinh thái tự nhiên trong hoạt động doanh nghiệp.
Trong khi chờ đợi các giải pháp cơ bản thì Dragon đánh giá tiêu chí đầu tư có trách nhiệm như thế nào?
Áp dụng bộ nguyên tắc ESG trong đầu tư, Dragon Capital đã cắt giảm giá trị vốn hoá của danh mục có thể đầu tư 20%. Các nhân viên quản lý quỹ của chúng tôi luôn muốn có danh mục lựa chọn đầu tư càng lớn càng dễ chọn lựa nhưng áp dụng ESG là phải đồng thời đáp ứng các tiêu chí.
Trước khi ra quyết định đầu tư thì các nhân viên quản lý quỹ phải thực hiện điều tra dựa trên bảng 80 câu hỏi thông qua gặp phỏng vấn tìm hiểu và chấm điểm doanh nghiệp. Khi thiếu vắng các thông tin rõ ràng lại là lý do không thoả mãn điều kiện đầu tư.
Khó khăn lớn nhất trong hoạt động giải ngân của Dragon Capital trong xác định danh mục đầu tư đáp ứng ESG là gì, thưa ông?
Khó khăn nhất với chúng tôi hiện này đó là danh mục đầu tư liên quan đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đây là nhóm cổ phiếu không dễ dàng cắt giảm, trong khi rất ít ngân hàng công bố tiêu chuẩn về thực thi đánh giá ESG trong danh mục cho vay của họ.
Hiện chúng tôi mới chỉ thấy Ngân hàng ACB đã áp dụng ESG một vài năm nay, một số ngân hàng bắt đầu quan tâm, nhưng chưa phổ biến. Trong khi đó, đại đa số ngân hàng khác chưa quan tâm đến vấn đề này.
Chúng tôi mong muốn khi tiếp cận dự án hay 1 doanh nghiệp, ngân hàng đánh giá tác động ESG của dự án đó trước khi quyết định cho vay. Các ngân hàng nên có chính sách hướng tới tài chính xanh, làm sao trong danh mục cho vay nên giảm thiểu các dự án phát thải carbon cao, hay ảnh hưởng lớn đến môi trường, sự đa dạng sinh học. Các thông tin này cần được công bố công khai để có thể đánh giá được.
Nếu các ngân hàng đi đầu trong áp dụng ESG vào xét danh mục cho vay, thì tác động lan tỏa tới thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam là rất lớn. Đó là mục đích chung của tất cả chúng ta.