Thực hư việc công ty bảo hiểm thu về 1 đồng, “lại quả” 1,6 đồng

Thực hư việc công ty bảo hiểm thu về 1 đồng, “lại quả” 1,6 đồng

(ĐTCK) Sau bài viết “Công ty bảo hiểm lỗ nặng do hợp tác độc quyền với ngân hàng?” trên số báo ra ngày 22/5/2019, Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều ý kiến cho rằng, các công ty bảo hiểm nhân thọ áp mức chi trả cao cho ngân hàng không chỉ dẫn tới thua lỗ, mà còn gây rủi ro cho thị trường.

“Lại quả” cao, rủi ro lớn

Chuyên gia bảo hiểm Ðặng Ðình Chính chia sẻ, ông được một số đại lý bảo hiểm cho biết, mức hoa hồng + thù lao mà một số công ty bảo hiểm đang trả cho ngân hàng là trên 100%, thậm chí trả cho đại lý tổ chức như TCA, BRICS hơn 110%, tính trên phí bảo hiểm năm đầu.

Một đại lý bảo hiểm của Prudential cho biết, nhằm tăng doanh số, tăng thị phần, một số công ty bảo hiểm chi trả hoa hồng + thù lao cho đại lý tổ chức lên tới 160%. Ví dụ, nếu thu về 1 tỷ đồng tiền phí bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải bỏ ra 1,6 tỷ đồng chi trả cho đại lý tổ chức đó.

“Nhiều đại lý truyền tai nhau rằng, một số công ty bảo hiểm “lại quả” tới 160% cho một số đại lý tài chính, trong đó có TCA, nhưng không rõ thực hư thế nào”, một đại lý bảo hiểm của Aviva nói.

Ông Ðặng Ðình Chính nhận xét: “Có những công ty bảo hiểm “ăn tạp”, không hề kén chọn đại lý tổ chức, tổ chức nào cũng liên kết. Có công ty trả tới 118%. Với ngân hàng, họ trả 120 - 130% là chuyện thường. Không tự dưng mấy ông ngân hàng lại đi bán bảo hiểm, vì chỉ tiêu đè đầu và món hời quá lớn. Hầu hết những người làm ngân hàng giờ đây có chỉ tiêu bán bảo hiểm nhân thọ, nhưng không có chỉ tiêu bán bảo hiểm phi nhân thọ”.

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Ðán cho rằng, “game thủ" đang có mặt tại hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ, chỉ là các mức độ khác nhau về độ chơi, độ chi. Chính sách hoa hồng và thưởng khủng cho kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã khiến các đội này cũng chơi game, thậm chí “mạnh bạo” hơn cả hệ thống các công ty đại lý tổ chức.

Một số đại lý cá nhân, chuyên gia bảo hiểm khác cho rằng, con số 160% nêu trên là có thật và liên tục được truyền tai nhau trên thị trường.

Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với một số công ty bảo hiểm được cho là có mức chi trả hoa hồng + thù lao cao, cũng như đại lý tổ chức được nhận ở mức cao thì được biết, đây là con số nhạy cảm, mang tính bảo mật, không thể tiết lộ.

Tổng giám đốc TCA, ông Lê Hoàng Hải thì phủ nhận con số trên và cho hay, “160% là mơ ước của TCA. Tỷ lệ chi trả là bảo mật với đối tác, không thể tiết lộ, nhưng cách xa 160%”.

Lãnh đạo cấp cao của 2 công ty bảo hiểm được cho là áp mức cao nhất thị trường cho biết, đây là hợp đồng hợp tác độc quyền với bên ngân hàng, mang tính bảo mật cao, nên không được phép công bố.

Dù các bên trong cuộc chưa xác nhận con số chính thức, nhưng theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ chi trả hơn 100% là phổ biến trong khối công ty bảo hiểm nhân thọ và rủi ro là thua lỗ nếu hợp đồng đó không được duy trì dài hạn, bị hủy ngay từ những năm đầu, cụ thể là năm thứ hai. Hành vi này được giới bảo hiểm gọi là chơi game hợp đồng (dùng hợp đồng ảo).

“Nếu các công ty bảo hiểm nhân thọ tiếp tục trả mức cao trên 100% tổng mức hoa hồng + thưởng kinh doanh (còn gọi là thù lao) cho hệ thống đại lý (bao gồm ban nhóm thông thường, bancassurance, tổng đại lý - GA) như hiện tại thì đội ngũ này sẽ lấn sâu hơn trong việc tạo ra các hợp đồng ảo cũng như hợp đồng thật nhưng nhu cầu ảo. Với cách đó, họ tạo ra một lượng doanh thu khủng cho công ty bảo hiểm đồng thời với các khoản thu nhập khổng lồ. Năm thứ nhất, công ty bảo hiểm chưa bị lỗ, nhưng khi qua năm thứ hai, khi mà hầu hết các hợp đồng bảo hiểm "ảo" bị mất hiệu lực do khách hàng không tiếp tục đóng phí, thì xem như công ty bảo hiểm thấm đòn”, ông Ðán cảnh báo và đề xuất, Bộ Tài chính cần thanh kiểm tra tỷ lệ chi trả duy trì hợp đồng tại từng công ty bảo hiểm. 

Chỉ lãi khi hợp đồng được duy trì

“Nếu công ty bảo hiểm duy trì được hợp đồng, thu được phí từ năm thứ hai, thứ ba trở đi, thì không còn rủi ro”, luật sư Nguyễn Khắc Thành Ðạt nhận định.

Liên quan đến tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm, ông Lê Hoàng Hải cho biết: “Tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm đang là niềm tự hào của TCA. Tháng 5 này có thể sẽ có kỷ lục về tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm đối với sản phẩm Hanwha Life mà Công ty đang liên kết hợp tác - 80%. Tỷ lệ này là chỉ số quan trọng nhất thể hiện chất lượng của hoạt động tư vấn bảo hiểm nhân thọ, tương tự như tỷ lệ nợ xấu đối với ngân hàng”.

Một số đại lý bảo hiểm cá nhân của Prudential, trong đó đại lý Hồ Thị Ngọc Như cho hay, Công ty luôn kiểm soát gắt gao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm, nếu không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ duy trì, đại lý sẽ bị cắt nhiều quyền lợi tài chính.

Về khía cạnh pháp lý, ông Ðạt cho biết, pháp luật hiện hành chỉ quy tỷ lệ tối đa về chi hoa hồng bảo hiểm, còn các khoản thù lao khác (bao gồm thù lao cấp quản lý) thì không quy định. Theo đó, ngay cả khi chi trả tổng hoa hồng bảo hiểm cộng với các khoản thù lao khác ở mức cao ngất là 160% thì công ty bảo hiểm cũng không phạm luật.

“Các nước tiên tiến áp tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm khá cao, nhưng hệ thống pháp luật chặt chẽ. Khách hàng hủy hợp đồng thì đại lý phải trả lại tiền hoa hồng. Chơi "game" là lãnh án tù”, ông Ðạt cho biết. 

Tin bài liên quan