Thực hiện Nghị quyết 19/2016, doanh nghiệp phải chủ động đòi hỏi...

(ĐTCK) Doanh nghiệp phải chủ động và quyết liệt đòi hòi cơ quan nhà nước triển khai hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ về các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Phải lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp chịu tác động khi ban hành các thông tư...

Phải lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp chịu tác động khi ban hành các thông tư...

Vẫn còn khoảng cách giữa kỳ vọng của doanh nghiệp và kết quả thực thi

Đánh giá về kết quả thực hiện công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực lực cạnh tranh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 do Văn Phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) phối hợp với Dự án GIG (USAID) tổ chức sáng nay 18-5, tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng năm 2015, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể về cải thiện môi trường kinh doanh, được quốc tế thừa nhận.

Cụ thể, ông Cung dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh đã tăng 3 bậc trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tăng 12 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới. Chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, nhận được sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp và đó là sự chuyến biến rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập, với yêu cầu ngày càng cao về năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, giữa yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các cơ quan chức năng vẫn luôn tồn tại khoảng cách và thực tế cũng cho thấy, còn nhiều nhiều việc phải làm, cần đến sự chuyển biến nhanh, đúng thực chất và liên tục trên tinh thần cầu thị từ các cấp quản lý.

Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn đối với một số chỉ tiêu quan trọng nhưng chưa có sự chuyển biến như mong muốn, gồm: cấp phép xây dựng, tiếp cận nguồn tín dụng, đăng ký tài sản của nhà đầu tư, gaiỉ quyết tranh chấp theo hợp đồng…

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, những cải cách thủ tục về thuế, hải quan, vận tải (phí, phụ phí tàu biển), quản lý lao động... của các cơ quan quản lý nhà nước đã tác động khá tích cực đối với ngành dệt may.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, ông Cẩm cho rằng thời gian qua vẫn có nhiều quy định bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp như: Quy định tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng năng suất lao động; đóng BHXH gắn liền với lương tối thiểu; quản lý công đoàn phí...

Ông Cẩm cũng kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra hàm lượng formaldehyt); điều kiện nhập khẩu máy in...

Người dân và doanh nghiệp cần chủ động phát huy quyền giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan quản lý từ vĩ mô đến địa phương…  như một trong những nguyên tắc mà Thủ tướng đã cam kết.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, Nghị quyết 19 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết này tại cơ sở còn nhiều hạn chế.

Ông Nam cũng nêu một số kiến nghị đối Bộ NN&PTNT (về Thông tư 48/2013 kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu), Bộ Y tế (Nghị định 38/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP), Bộ GTVT (thu phí giao thông), Bộ Công Thương (chính sách biên mậu)... điều chỉnh một số quy định.

Trong khi đó, đại diện Công ty Ford Việt Nam yếu cầu giải quyết một số vướng mắc trong quản lý chuyên ngành; đồng thời đề nghị các bộ (Công Thương, Công an, GTVT, TTTT, VHTTDL, LĐTBXH,) phải lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp chịu tác động khi ban hành các thông tư...

Cần nỗ lực chung tay của cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp 

Trước những yêu cầu chính đáng nhưng ngày càng khắt khe của doanh nghiệp, bản thân các cơ quan quản lý cũng phải thừa nhận việc thực thi Nghị quyết 19 đặt ra nhiều thách thức trong quá trình triển khai, đòi hỏi cần có sự nỗ lực nghiêm túc thực thi của cơ quan nhà nước cùng với cộng đồng DN.

“Nghị quyết 19/2016 vẫn là thách thức mới trong cải cách hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiện nay, có 35% hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra trong quá trình thông quan tại cửa khẩu, nhưng sẽ phải giảm xuống 15% vào cuối năm nay, đây là công việc khổng lồ, không dễ thực hiện, là áp lực rất lớn đối với ngành hải quan”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ này, ông Tuấn cho rằng, cần thay đổi, cải tiến quy trình thủ tục hải quan; tăng cường số lượng trang thiết bị hiện đại; bổ sung nhân sự tại các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa quan cửa khẩu nhanh chóng, chính xác.

Đứng ở góc độ tổng thể, để có thể thực hiện Nghị quyết 19/2016 một cách hiệu quả, ông Cung khẳng định cần theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý và địa phương. Đặc biệt, khi việc triển khai thực thi Nghị quyết 19/2016 vẫn còn là thách thức lớn để tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm bớt thời gian và các loại chi phí… đòi hỏi các nỗ lực chung tay của nhiều cơ quan Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực thi và vai trò giám sát, thúc đẩy hiện thực hóa của khu vực tư nhân.

Cần theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý và địa phương.

“Với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, Chính phủ kiến tạo như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, người dân và doanh nghiệp cần hiểu rõ quyền lợi chính đáng của mình, cần có thái độ không nên chờ thụ động, mà cần có tinh thần mạnh mẽ hơn, đòi hỏi cơ quan chức năng phục vụ một cách hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cần chủ động phát huy quyền giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan quản lý từ vĩ mô đến địa phương…  như một trong những nguyên tắc mà Thủ tướng đã cam kết”, TS Cung nhấn mạnh.

Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và quản trị Nhà nước, USAID Việt Nam Michael Trueblood cũng đồng tình cho rằng, Nghị quyết 19/2016 tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa Cơ quan Nhà nước với DN, cho đến các địa phương trong việc thúc đẩy môi trường cạnh tranh. NQ19/2016 cũng kêu gọi các DN tham gia tích cực hơn trong việc rà soát đánh giá để hợp tác hiệu quả hơn với Cơ quan Nhà nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.     

Tin bài liên quan