Giải pháp được xem hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay mà các doanh nghiệp hướng tới là tăng cường kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vốn chiếm tới hơn 95% khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.
Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào, một trong những thách thức, đồng thời là cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam chính là việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI lớn, mở đường ra thế giới. Ðây là cơ hội cho nhiều ngành kinh tế bao gồm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ. Tuy nhiên, nếu nói về chuỗi tổng giá trị, đến nay, Việt Nam mới tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp, các ngành khác hầu như chưa thực sự phát triển.
“Ðể đạt được giá trị thực sự và đầy đủ, Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, thậm chí là hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số. Quan trọng nhất, Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh của tất cả các khu vực, nhất là khu vực tư nhân, cũng như cải thiện liên kết chuỗi cung ứng giữa khu vực này với khu vực FDI để tận dụng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Kelhofer gợi mở.
Ðể hiện thực hóa khả năng kết nối này, một thông tin rất đáng chú ý được ông Michael Greene, Giám đốc Quốc gia USAID đưa ra tại sự kiện Ngày hội kết nối doanh nghiệp, tọa đàm chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân là một dự án với tổng giá trị 22,1 triệu USD được USAID triển khai trong giai đoạn 5 năm từ 2018 - 2023, trong đó sẽ tăng cường tiếp nhận hỗ trợ các doanh nghiệp từ năm 2019 với đối tượng hỗ trợ chính là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là DNNVV.
Mục tiêu chính của dự án kết nối DNNVV (USAID LinkSME) là nhằm gia tăng mạnh số lượng và chất lượng các kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường khung kết nối giữa 2 khu vực này cũng như nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong 5 lĩnh vực ưu tiên của dự án.
Chia sẻ thông tin cụ thể, ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án LinkSME cho biết, USAID sẽ tập trung vào việc tạo mối liên kết chặt chẽ thông qua kết nối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước, gia tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong một số lĩnh vực chính, chú trọng vào DNNVV và các công ty khởi nghiệp.
“Dựa trên các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp nước ngoài, dự án sẽ tiến hành đánh giá năng lực sản phẩm doanh nghiệp. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi sẽ giới thiệu doanh nghiệp với bên mua, doanh nghiệp sẽ trực tiếp đàm phán hợp đồng. Khi doanh nghiệp được lựa chọn là nhà cung cấp tiềm năng, dự án sẽ tiến hành đánh giá năng lực toàn diện, xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực và có chiến lược hỗ trợ các bước để doanh nghiệp thực hiện được kế hoạch hợp tác dài hạn với đối tác”, ông Ron Ashkin cho hay về quy trình triển khai hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi kết nối hợp tác.
Doanh nghiệp tư nhân mong được đối xử bình đẳng
Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HÐQT Vietjet
Ðề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi đầu tư, có nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ việc đề xuất dự án nâng cấp sân bay Ðiện Biên, dù theo tính toán phải mất 60 - 70 năm mới hoàn vốn. Tuy nhiên, đây là dự án có ý nghĩa lịch sử, cần phải đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, góp phần xây dựng một vùng kinh tế phát triển, hiện đại, văn minh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân mong được đối xử bình đẳng, công bằng từ cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo, ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, cũng như ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.
Chờ đợi sự hỗ trợ và giảm giá thành xe sản xuất trong nước
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO)
Trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia. Ðây là các quốc gia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (quy mô 1,5 triệu xe/năm, trong khi Việt Nam mới đạt 300.000 xe/năm) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm), còn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới thật sự phát triển trong vài năm gần đây. Chưa kể, nền công nghiệp ô tô ở các nước này được bảo hộ rất lâu và hiện vẫn được duy trì nhiều chính sách hỗ trợ.
Hiện nay, số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN là rất lớn. Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2019, lượng xe nhập khẩu đạt 39.000 xe các loại, tương đương một nửa lượng xe nhập khẩu cả năm 2018 là 78.200 xe. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành xe sản xuất trong nước. Ðồng thời cho tiến hành hậu thanh kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% là tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN để tránh gian lận thương mại và thất thu thuế.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn do nông nghiệp quy mô lớn vẫn được xem là lĩnh vực nhiều rủi ro. Ðề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp nói chung, hỗ trợ thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.
Điều chỉnh các điều kiện kinh doanh quỹ hưu trí tự nguyện và quỹ đầu tư bất động sản
Ông Don Lam, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital
Ðể thúc đẩy thị trường vốn trung - dài hạn, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ liên quan nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh các điều kiện kinh doanh quỹ hưu trí tự nguyện và quỹ đầu tư bất động sản để tăng tính hấp dẫn của 2 loại hình quỹ này, nhằm triển khai được trên thị trường. Song song quá trình này, cho phép vận hành “thí điểm” một quỹ hưu trí tự nguyện trong năm 2019 với các điều kiện kinh doanh đặc thù để có căn cứ đánh giá thấu đáo các nội dung cần sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đảm bảo sự cân bằng giữa huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và kênh tín dụng ngân hàng.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân
Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
Với những bài học thực tiễn từ VinFast, Tập đoàn Vingroup đề xuất 5 kiến nghị để góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.
Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân. Thứ ba, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều. Thứ tư, Chính phủ cần có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Thứ năm, Chính phủ tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Vingroup nhận thấy, sắp tới, sẽ có thêm công ty khác chọn Việt Nam để xây dựng các nhà máy cung cấp dịch vụ đến từ các nước trong khu vực châu Á.