Dự án Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành đang được quan tâm đặc biệt.

Dự án Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành đang được quan tâm đặc biệt.

Thúc đầu tư ở những “quả đấm thép”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư ở 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được coi là vốn mồi dẫn dắt nhiều hoạt động đầu tư ở các ngành trọng điểm. Những động thái thời gian gần đây cho thấy chuyển động tích cực ở lĩnh vực này.

Sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ

Số liệu từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết, năm 2021, các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng, triển khai nhiều dự án trọng điểm.

Một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước ước đạt 6.895 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ước đạt 3.235 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 19.600 tỷ đồng.

Trong đó, nổi bật là triển khai một số dự án trọng điểm về năng lượng (các dự án Nhà máy: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I); một số dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không (Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên).

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch CMSC cho biết, trong năm 2021, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đó là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng như khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; khởi công dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; thi công trở lại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Các doanh nghiệp lớn tích cực triển khai hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch CMSC

“Các doanh nghiệp lớn tích cực triển khai hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng”, ông Cảnh cho biết và nhấn mạnh đến việc quan tâm sát sao các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng, khu vực, quốc tế như dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không làm chủ đầu tư, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư…

Tại hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của CMSC cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Chia sẻ về vai trò vốn mồi của Nhà nước, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, phải xã hội hóa nguồn vốn theo hình thức PPP (đã được quy định trong Luật Đối tác công - tư).

Trong đó, kênh vốn nhà nước đóng vai trò “vốn mồi”. Chẳng hạn, tại quy hoạch này, vai trò cung cấp “vốn mồi” của SCIC được thể hiện qua việc giảm thiểu rủi ro tài chính, tăng khả năng huy động nguồn vốn vay.

“Thông thường, dự án PPP yêu cầu mức vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% và nhà đầu tư tham gia dự án sẽ chỉ đáp ứng mức đó. Nếu SCIC tham gia, có thể nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên và dưới góc độ của ngân hàng sẽ giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng huy vốn vay hơn. Với cơ cấu vốn chủ sở hữu được nâng lên, rủi ro giảm thiểu thì lãi suất huy động vốn vay cũng sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, vai trò vốn mồi của SCIC thể hiện sự tham gia cùng nhà đầu tư tư nhân tại những dự án có quy mô vốn quá lớn, tư nhân không thể thu xếp được đủ vốn”, ông Lai cho biết.

Nhiều dự án hạ tầng được tập trung

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào thời điểm khởi công (năm 2011) được kỳ vọng là một trong những dự án năng lượng trọng điểm, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu điện đang tăng bình quân 14%/năm của nền kinh tế nước ta (giai đoạn 2011 - 2015), bảo đảm cung cấp điện an toàn và kinh tế cho khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Với tổng vốn gần 42.000 tỷ đồng, chỉ tính lãi suất, mỗi ngày, dự án chậm tiến độ là thiệt hại hàng tỷ đồng, chưa kể thiệt hại về chi phí cơ hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài liên quan đến dự án.

Thủ tướng kết luận: Phải sớm đưa dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của, công sức của nhân dân đã bỏ ra. Dự án thua lỗ, yếu kém này gây bức xúc trong nhân dân. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã cùng đoàn công tác trực tiếp xuống kiểm tra thực địa và giao ban tại công trường về tiến độ dự án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu năng lực, vi phạm quy định và cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng.

Ngay sau đó, Tổng giám đốc đơn vị tổng thầu đã được thay thế, hàng loạt cán bộ có chuyên môn cao được tăng cường về dự án. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt ra mốc, phấn đấu hòa lưới điện vào ngày 30/4/2022, thay vì đầu tháng 6/2022 như mục tiêu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt ra.

Những ngày áp Tết Nhâm Dần 2022, trên công trường dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn rộn ràng thi công.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bao gồm 2 tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Một dự án khác cũng được quan tâm đặc biệt trong giai đoạn này là Cảng Hàng không quốc tế sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo hoàn thành bàn giao toàn bộ 1.810 ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ trong tháng 2/2022 như cam kết của địa phương. Đối với phần diện tích còn lại, hoàn thành trước 30/6/2022.

Lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp chỉ đạo việc điều chỉnh tiến độ bảo đảm đúng quy định pháp luật và hoàn thành toàn bộ Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào quý I/2025.

Sự quyết liệt và quyết tâm với các dự án lớn ngay từ đầu năm đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư công có một năm bứt phá ngoạn mục.

Tin bài liên quan