Gần đây, dòng tiền đầu tư chú tâm hơn tới nhóm cổ phiếu bảo hiểm, nhóm được cho là chưa có sóng trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt tới hai cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước là BMI, BVH.
BMI đứng đầu trong danh mục thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong quý III/2021. Theo kế hoạch, SCIC sẽ bán toàn bộ 50,7% cổ phần của doanh nghiệp này.
Đây được xem là thương vụ rất lớn của SCIC trong năm nay và được mở đường bằng việc nâng room ngoại lên 100%.
Ghi nhận ý kiến của nhiều nhà đầu tư, “đây là kèo thơm” và kỳ vọng “game thoái vốn BMI” nằm ở việc sang tay cho cổ đông ngoại và BMI sẽ tư nhân hóa toàn bộ.
Hiện BMI đang có giá 39.150 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% so với giá thấp nhất trong 2 tuần qua.
Sau khi tích luỹ quanh vùng 36.000 đồng/cổ phiếu, hiện BMI đang có giá 39.150 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% so với giá thấp nhất trong 2 tuần qua.
Tương tự, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng SCIC sẽ tiến hành thoái 3,2% vốn tại BVH. Cộng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt cổ phiếu cô đặc với cơ cấu cổ đông là Bộ Tài chính nắm giữ 67,98% vốn, cổ đông ngoại Sumitomo Life nắm 22,09%, đã có chiết khấu lớn, nên nhiều nhà đầu tư cho rằng vùng giá trong tháng 8, đầu tháng 9 khá an toàn toàn và sẽ có sức bật.
Giá cổ phiếu BVH ghi nhận tăng gần 10% trong 1 tuần qua và đang ở mức giá khoảng 58.800 đồng/cổ phiếu.
Trong quý II, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2021. Nhiều cái tên nổi bật được Tổng công ty dự kiến bán trong năm nay như 36% vốn tại Sabeco (SAB), 50,7% vốn tại Bảo Minh (BMI), 40,7% vốn Tổng công ty Licogi, 63,38% vốn Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã SEA), 36,3% vốn Vocarimex (mã VOC), 37% vốn Nhựa Tiền Phong (mã NTP), gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex (mã VGT)…
Bên cạnh hai cổ phiếu bảo hiểm trên, thị trường ghi nhận thêm cổ phiếu tăng “nóng” thời gian qua là SEA, với mức tăng 74% trong vòng 1 tháng qua và đang gặp áp lực chốt lời. Được cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước, Seaprodex có cổ đông lớn nhất là SCIC, hiện đang nắm giữ 63,38% vốn.
Sức hấp dẫn của SEA không nằm ở kết quả kinh doanh, mà nằm ở khối bất động sản được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và khai thác trước đây. Hiện Seaprodex đang nắm trong tay quỹ đất vàng tại 2 - 4 - 6 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM, diện tích 1.552 m2, nếu tính theo giá thị trường, có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SEA còn được nhà đầu tư “soi” là đang có trong danh sách sở hữu/được giao quản lý nhiều lô đất đẹp khác nằm ở quận 1, TP.HCM như 552,5 m2 tại số 21 Ngô Đức Kế; 277,8 m2 số 22-24-26 đường Mạc Thị Bưởi, 83,2 m2 ở số 26/1A Lê Thánh Tôn; 234 m2 tại số 211 Nguyễn Thái Học… và ở nhiều tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra, SEA còn sở hữu 30.015 m2 tại khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương và các lô đất khác thuộc công ty con là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn.
Nằm trong nhóm hưởng lợi đầu tư, KSB – doanh nghiệp có lịch sử cơ bản tốt, được dòng tiền nhà đầu tư nhập cuộc mạnh mẽ, nếu tính theo mức giá đáy tháng 7 là 23.150 đồng/cổ phiếu và giá cao nhất tuần trước là 35.500 đồng/cổ phiếu, KSB ghi nhận mức tăng 50%.
Kỳ vọng của giới đầu tư nằm ở điểm doanh nghiệp này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Biên Hoà - vốn đang sở hữu mỏ đá lớn, chất lượng và vị trí thuận tiện để cung cấp đá xây dựng cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, để có thể về chung một nhà, KSB phải chờ đợi tiến độ thoái vốn nhà nước tại VLB (hiện Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đang nắm giữ hơn 49% vốn). Hiện tại, chưa có thông tin mới về tiến độ thoái vốn tại VLB do dịch bệnh kéo dài 4 tháng nay, nên việc di chuyển, gặp gỡ, đàm phán bị kéo dài hơn.
Đón đầu cơ hội là một cách thức giao dịch khá hiệu quả trên thị trường, nhưng nhà đầu tư cũng cần thận trọng phân tích thông tin cơ bản và tiến độ thoái vốn, tránh rủi ro “bơm tin không chính xác” để kéo giá cổ phiếu hoặc đôi khi một thương vụ có thể kéo dài một hai năm mới hoàn thành.