Tuần từ 15/6 đến 19/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng nào khi không phát hành mới và cũng không có lượng tín phiếu, OMO nào đáo hạn. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành cũng ở mức 0.
Thanh khoản duy trì dồi dào khiến lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục giảm ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt là -0,05%/năm, -0,03%/năm và -0,06%/năm, đưa lãi suất các kỳ hạn tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục là 0,13%/năm, 0,23%/năm và 0,33%/năm. Ðây là vùng lãi suất thấp chưa từng có trên thị trường liên ngân hàng.
Như vậy, NHNN đã không thực hiện hoạt động bơm/hút vốn mới trong 2 tháng gần đây và có thể sẽ không thực hiện hoạt động bơm ròng thêm trên thị trường mở trong một vài tuần tới khi thanh khoản vẫn đang rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng liên tục tạo đáy.
Thị trường 1 (khu vực doanh nghiệp và dân cư) cũng khá bình lặng, lãi suất tiền gửi duy trì ở mức 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,9-6,9%/năm kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6-7,6%/năm kỳ hạn 12-13 tháng.
Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính từ đầu năm đến ngày 16/6/2020 mới đạt 2,13%.
Các ngân hàng thương mại thường tăng tốc giải ngân tín dụng vào nửa cuối tháng 6 nên chỉ tiêu tăng trưởng bán niên có thể cải thiện, nhưng vẫn sẽ cách rất xa mức tăng trưởng 7,36% của nửa đầu năm 2019.
Nhu cầu đáp ứng các chỉ tiêu thanh khoản thời điểm cuối quý có thể khiến lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng trong tuần này, nhưng sẽ vẫn ở vùng thấp do nguồn cung trên thị trường liên ngân hàng rất dồi dào.
Thừa vốn mà khó cho vay, nên các ngân hàng đổ xô vào trái phiếu chính phủ. Cụ thể, tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 8.846 tỷ đồng trái phiếu ở cả 4 kỳ hạn gọi thầu là 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Ðây là phiên phát hành nhiều nhất kể từ đầu năm đến nay, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu là 93,3% - mức cao nhất trong 3 tháng qua.
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 22.114 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 120% lượng phát hành cả tháng 5 và bằng 41% tổng lượng phát hành 5 tháng đầu năm.
Nếu toàn bộ 8.500 tỷ đồng gọi thầu trong phiên đấu thầu tuần này được phát hành hết, tổng lượng phát hành quý II/2020 là 52.000 tỷ đồng - hoàn thành 87% kế hoạch phát hành quý II.
Thanh khoản cải thiện trên thị trường thứ cấp với tổng giá trị giao dịch tuần là 41.000 tỷ đồng, tăng 13% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 79 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng mạnh trước đó.
Tỷ lệ trúng thầu đã được cải thiện trong tháng 5 và tháng 6 khi lần lượt đạt 80% và 90% so với mức 20% của tháng 4 nhờ lãi suất trúng thầu đã ở mức cao hơn (gần như bằng lãi suất trên thị trường thứ cấp).
Cụ thể, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm trên thị trường sơ cấp chỉ thấp hơn lần lượt 0,01%/năm và 0,02%/năm so với thị trường thứ cấp. Nếu duy trì mức lãi suất trúng thầu ở mức hiện tại, các chuyên gia phân tích cho rằng, tỷ lệ trúng thầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên các chỉ báo vĩ mô năm 2020 đã được điều chỉnh và các ngân hàng cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với thực tế.
“Do hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu đi, Vietcombank sẽ chuyển đổi hoạt động tín dụng an toàn, bền vững. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm nay của Vietcombank là ‘hạ cánh mềm’ 10% - đúng bằng định hướng của NHNN. Trong quan điểm điều hành, Vietcombank định hướng tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và chuyển dịch cơ cấu nâng cao chất lượng hiệu quả”, ông Thành nói.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ: “Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp rất yếu, nhiều doanh nghiệp thiếu tiền trả nợ nhưng cũng không có kế hoạch vay mới do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai”.
Ở góc nhìn tích cực hơn, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC cho rằng, thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho phép Việt Nam có thời gian để phục hồi trước những quốc gia khác.
Ðiểm đáng chú ý, riêng trong nửa cuối tháng 5 tín dụng đã bật tăng khá mạnh tới 0,76 điểm phần trăm cho thấy cầu tín dụng đang có xu hướng phục hồi.
“Với khả năng thích ứng khéo léo, Việt Nam gần như đã trở lại trạng thái bình thường, hỗ trợ doanh số bán lẻ phục hồi nhanh chóng trong tháng trước. Cùng với đó, tất cả các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines đã được nối lại, gần như tương đương với năm 2019… cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào sự hồi phục của nền kinh tế”, bà Yun Liu nói.
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cũng như giới chuyên gia đều kỳ vọng tích cực vào việc tái khởi động lại nền kinh tế, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và Chính phủ cũng đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhận định, đến hết quý II/2020, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 3,5-4% và hết năm xấp xỉ mức 9-10%.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, tín dụng năm 2020 sẽ tăng khoảng 9-10%. Công ty Chứng khoán VNDirect còn dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức cao hơn, đạt khoảng 11%.