Thừa vốn, ngân hàng vẫn cạnh tranh huy động

Thừa vốn, ngân hàng vẫn cạnh tranh huy động

(ĐTCK) Khó cho vay và thanh khoản dôi dư là câu nói thường được các nhà băng nhấn mạnh trong thời gian gần đây, song tình trạng “xé” trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn và cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng vẫn rất gay cấn.

Thừa vốn, ngân hàng vẫn cạnh tranh huy động ảnh 1

Thực tế, nguồn tiền huy động của toàn ngành nói chung và từng ngân hàng nói riêng luôn tăng trưởng ổn định ở mức tốt qua các tháng, do đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với người có tiền nhàn rỗi nếu so với các kênh khác ở giai đoạn hiện nay. Cụ thể, tăng trưởng huy động toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 8/2013 đạt 10,49% so với cuối năm 2012. Trong đó, huy động tiền đồng tăng 11,04%, huy động ngoại tệ tăng 7,23%.

Huy động tăng ổn định như vậy song cho vay ra tăng chậm, thậm chí giảm ở một số ngân hàng, khiến nguồn tiền nhận gửi của ngân hàng ngày càng dôi dư. Tuy nhiên, không vì thế mà các ngân hàng không tìm cách thu hút thêm tiền gửi. Cạnh tranh trong lĩnh vực huy động vẫn diễn ra sôi động.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn tại TP. HCM thừa nhận: “Trần lãi suất giảm là điều kiện tốt để tiết giảm chi phí đầu vào, hạ lãi suất đầu ra. Vậy mà, chúng tôi vẫn phải trả lãi suất cho khách hàng cao hơn mức trần 7%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Tính bình quân, lãi suất huy động tiền gửi ngắn và dài kỳ của chúng tôi hiện vẫn trên dưới 8%/năm”, vị chủ tịch này nói và cho biết, sở dĩ ngân hàng ông phải cạnh tranh lãi suất khi thanh khoản dôi dư là do khách hàng gửi tiết kiệm vẫn nhìn trước, ngó sau, so sánh lãi suất giữa nhà băng lớn - ngân hàng nhỏ trước khi quyết định gửi tiết kiệm.

Trong khi đó, nguồn tiền huy động của nhà băng này tăng trưởng đến 16,4% trong 6 tháng đầu năm nay, gấp hơn 2 lần so với mức tăng của tín dụng.

Một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tình trạng “vượt rào” lãi suất huy động sẽ khó chấm dứt cho đến khi nào bỏ hẳn quy định về trần lãi suất. Tình trạng vượt rào vẫn xảy ra phổ biến, chỉ có mức vượt là giảm so với trước đây. Tại ngân hàng S, nếu gửi từ 50 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 1 - 3 tháng, người gửi tiền sẽ được nhận thêm 0,5 - 0,8%/năm, ngoài mức trần 7%/năm.

Còn tại nhà băng A, lãi suất cộng thêm thường được áp dụng cho các kỳ hạn dài hơn, từ 6 - 8 tháng, với biên độ khoảng 0,5%/năm, tùy theo giá trị của khoản tiền gửi.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn áp dụng chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng ngay khi gửi tiết kiệm, bốc thăm cuối kỳ dự thưởng với giá trị giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng.

TienPhong Bank có sản phẩm “Tiết kiệm online, nhận quà Hi-Tech”. Chỉ cần mỗi 10 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn tháng và 40 triệu đồng kỳ hạn tuần, khách hàng sẽ nhận được 1 mã số để quay thưởng.

Agribank cũng có chương trình khuyến mãi cho khách gửi tiết kiệm, dự kiến kết thúc vào ngày 26/10 tới, với tổng trị giá giải thưởng lên đến 12,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thu hút tiền gửi trung, dài hạn nhằm bổ sung thanh khoản và đón đầu xu hướng tín dụng trong thời gian tới, các nhà băng còn lên kế hoạch phát hành trái phiếu cũng như chứng chỉ tiền gửi ngắn, dài hạn. Chẳng hạn, Eximbank đang lên kế hoạch sẽ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi. Loại giấy tờ có giá này có các kỳ hạn từ 2, 3 đến 5 năm. Trong khi đó, hiện Eximbank được xem là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng huy động khá tốt, nhưng tín dụng lại tăng chậm.

Trong khi các ngân hàng lớn vẫn cạnh tranh huy động thì các ngân hàng nhỏ, để giữ tiền, không thể không tìm cách tăng quyền lợi cho người gửi.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về điều này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. HCM đến đầu tháng 9/2013 đã tăng 6,99% so với cuối năm 2013 và tăng 11,9% so với cùng kỳ, nhưng với tính chất hoạt động là huy động và cho vay, ngân hàng vẫn buộc phải cạnh tranh về huy động.

Theo NHNN, với trần lãi suất huy động tiền đồng ở mức 7%/năm, chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 9%/năm, mặt bằng lãi suất tiền đồng trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm khoảng 2 - 5 điểm phần trăm so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động giảm 2 – 3 điểm phần trăm; lãi suất cho vay giảm 3 - 5 điểm phần trăm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006.