Thủ tướng: Sẽ có chế tài mạnh nếu để giải ngân vốn đầu tư công chậm

0:00 / 0:00
0:00
Sau 6 tháng, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 33,9% kế hoạch, thấp so với yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ một lần nữa họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để thúc giải ngân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

“Đầu tư công là cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy và cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ tăng được 1% đầu tư, thì sẽ góp phần tăng trưởng GDP thêm 0,06%.

“Trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương là rất lớn, phải tập trung giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng trong năm nay”, Thủ tướng nói và cho biết, mỗi khi Chính phủ làm việc với các bộ ngành, địa phương, các nơi đều xin vốn, nhưng có vốn rồi mà lại không làm đến nơi đến chốn. 

Theo Thủ tướng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây thấp, năm nay có khá lơn nhưng vẫn còn một số lượng lớn vốn chưa giải ngân.

Chính vì vậy, Thủ tướng khẳng định, Hội nghị lần này được tổ chức nhằm 3 mục đích chính.

Thứ nhất, tìm ra nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn kém cỏi, đâu là nguyên ngân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan.

“Phải tìm ra nguyên nhân chủ quan là chính, chứ không phải đổ cho khách quan. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để giải ngân chậm”, Thủ tướng nói và một lần nữa đặt lại câu hỏi đã nhiều lần được đặt ra.

Đó là tại sao, cũng cơ chế, chính sách đấy, có địa phương giải ngân thấp, có địa phương giải ngân tốt, có phải do quan liêu, tiền về cứ để đấy mà không làm.

Thứ hai, sau khi chỉ ra các nguyên nhân khiến giải ngân chậm, Chính phủ sẽ quyết định các giải pháp khả thi để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Nói hoài nói mãi mà không chịu làm, lần này phải có chế tài mạnh, chế tài với những người đứng đầu trong việc để tình trạng chậm giải ngân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, dẫn câu chuyện của Ninh Bình, 1 tháng họp một lần để bàn chuyện điều chuyển vốn cho các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành phải xuống tận nơi nắm tình hình, chứ không được để tình trạng quan liêu, xa dân làm ảnh hưởng đến tình hình.

Vì vậy, Thủ tướng nói, cần chỉ ra các kinh nghiệm tốt của các địa phương, để từ đó nhân rộng ra các địa phương khác.

Thứ ba, theo Thủ tướng, Hội nghị cũng sẽ tập trung thảo luận, chỉ ra những điểm còn khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Hội nghị lần này phải giải quyết cho được 3 ‘đọng’. Đó là đọng vốn, nợ đọng và thủ tục đọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, tại Hội nghị, các bộ ngành, địa phương phải cùng thảo luận, cùng rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để thúc đẩy giải ngân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng.

“Lần này, nếu còn tình trạng đổ lỗi cho khách quan thì Chính phủ sẽ có giải pháp, không để tình trạng trì trệ nữa, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan