Thủ tướng quyết định thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT

0:00 / 0:00
0:00
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án do Bộ GTVT quản lý.
Cầu Mỹ Thuận - công trình do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư trước khi chuyển đổi thành Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vào năm 2011.

Cầu Mỹ Thuận - công trình do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư trước khi chuyển đổi thành Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vào năm 2011.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1311/QĐ – TTg ngày 26/8/2020 về việc thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT theo đề xuất của Bộ này.

Cụ thể, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập và là Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc GTVT thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật; hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật; có trụ sở giao dịch tại Tp.HCM.

Cùng ngày, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1310/QĐ – TTg sửa đổi bổ sung Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 1310 nêu rõ, trong giai đoạn đến năm 2020, Bộ GTVT duy trì 14 ban quản lý dự án, gồm 10 đơn vị trực thuộc Bộ: Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 6, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Ban Quản lý dự án Hàng hải, Ban Quản lý các dự án Đường thủy, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và 4 đơn vị trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Ban Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 5, Ban Quản lý dự án 8.

Các ban quản lý dự án hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên. Giai đoạn 2021 – 2030, sẽ tiếp tục duy trì các ban quản lý dự án như giai đoạn đến năm 2020.

Trước đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), đồng thời quyết định thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT.

Cùng với việc đưa Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của Tổng công ty Cửu Long sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận bao gồm trụ sở làm việc, xe ô tô, một số máy móc thiết bị và điều chuyển tài sản, các nghĩa vụ liên quan còn lại cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT thành lập trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 trên cơ sở chuyển đổi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (được thành lập năm 1994), Công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ. Tổng công ty này có số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con trên cơ sở kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, bao gồm 1 số dự án mà Bộ GTVT giao làm đại diện chủ đầu tư/chủ đầu tư.

Sau gần 10 năm hoạt đông, Tổng công ty Cửu Long chưa được cấp đủ vốn điều lệ (hiện chỉ có 136,42 tỷ đồng); chưa được giao quản lý tài sản là các dự án hoàn thành có giá trị theo đề án thành lập; chưa tham gia đầu tư được tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn thương mại để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở thực tiễn hoạt động đã được đánh giá, tổng kết, việc duy trì mô hình Tổng công ty Cửu Long là không thể tiếp tục và rất cần thiết phải kết thúc mô hình thí điểm để có phương án tổ chức cho phù hợp.

Tin bài liên quan