Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 chiều ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ ấn tượng về sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà lãnh đạo và khung cảnh hội nghị sử dụng đồ tái chế để trang trí, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Lắng nghe và đánh giá những ý kiến đóng góp, Thủ tướng cho rằng đây là những ý kiến sắc sảo và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng khẳng định, sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019 với những nội dung mới hơn, sát thực tế hơn trong bối cảnh mới.
Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, “tất yếu tức là anh làm ngược lại thì thất bại”. Cho nên chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Như Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội-môi trường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, các chỉ số về xoá đói giảm nghèo, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu… của Việt Nam đều được quốc tế đánh giá cao. (98,9% người dân được sử dụng điện).
Ngoài ra, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 là 0,694 thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số xếp hạng cao ở Việt Nam là xoá đói giảm nghèo, giáo dục, tiếp cận năng lượng, mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu.
“Tuy nhiên, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện”, Thủ tướng nói.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra 6 đề nghị cụ thể: Thứ nhất là, thống nghất về nhận thức và hành động các cấp, ngành về phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu duy nhất đưa con người vào trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai là, tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Chính phủ khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng. Thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, dự án nước…
Thứ ba là, nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực. “Trong lúc chúng ta thay đổi công nghệ lớn thì nguồn nhân lực đáp ứng được công nghệ là yêu cầu tất yếu”, Thủ tướng khẳng định.
Thứ tư là, đẩy nhanh tính hiệu quả của các cơ quan, thúc đẩy sáng tạo đổi mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm là, xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững.
Cuối cùng là, toàn cầu hoá với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài.
Với những yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan trình Chính phủ trong tháng 10/2019.
Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ, ngành căn cứ chương trình hành động quốc gia và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Những cái tiêu chí này phải mang tính định lượng, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, có biện pháp theo dõi, đánh giá, giám sát.