Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đẩy mạnh tái cơ cấu TTCK

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đẩy mạnh tái cơ cấu TTCK

(ĐTCK) Trong số 5 nhiệm vụ lớn mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa giao cho ngành Tài chính, có nhiệm vụ tập trung thúc đẩy tái cơ cấu thị trường vốn, trong đó có TTCK.  

Năm 2013, điều hành TTCK có khởi sắc

“Năm 2013, ngành Tài chính đã hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ lớn là: đảm bảo cân đối thu chi NSNN, qua đó góp phần tăng cường an toàn tài chính quốc gia; thông qua triển khai các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 30/12 vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đẩy mạnh tái cơ cấu TTCK ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 - Ảnh: Bộ Tài chính

Đánh giá cụ thể hơn các lĩnh vực mà Bộ Tài chính chỉ đạo, điều hành trong năm 2013, Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng việc quản lý, điều hành TTCK, thị trường bảo hiểm có khởi sắc. Kết quả này đã có đóng góp tích cực vào thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này, cùng với việc ngành Tài chính thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa, cũng góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ dự báo, năm 2014, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, do kinh tế thế giới tuy đang phục hồi nhưng chưa mạnh; kinh tế trong nước có chuyển biến tích cực, nhưng chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức không chỉ cho ngành Tài chính.

 

5 nhiệm vụ trọng tâm

Trong bối cảnh khó khăn trên, để hoàn thành nhiệm vụ tài chính, NSNN năm 2014, Thủ tướng lưu ý ngành Tài chính 5 nhiệm vụ lớn cần tập trung triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Thứ nhất, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Kinh nghiệm điều hành, nhất là trong năm 2013 cho thấy, nếu ngành Tài chính và ngành Ngân hàng thiếu phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, thì các chỉ tiêu về thu chi NSNN, lạm phát, tăng trưởng GDP khó đạt như kết quả năm qua đã thể hiện.

Bộ Tài chính cần tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các luật thuế, chính sách miễn, giãn, giảm thuế, siết chặt quản lý thuế. Cùng với tạo thuận lợi cho DN, thì phải đảm bảo thu đúng, thu đủ theo luật định. Tăng cường phối hợp với chính sách tiền tệ, để trong năm 2014, duy trì mặt bằng lãi suất thấp như năm 2013. Nếu thành công trong duy trì mặt bằng lãi suất như hiện tại kéo dài trong năm 2014 - 2015, thì sản xuất - kinh doanh sẽ phục hồi, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức hợp lý.

Theo kế hoạch, lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu chính phủ trong năm 2014 khá lớn, nên chính sách tài khóa và tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo lượng vốn huy động được rải đều trong năm, tránh gây áp lực lên lạm phát. Đến nay, tuy đã đạt bước tiến dài về cơ chế giá thị trường, nhưng cần quản lý tốt hơn về giá, đặc biệt là phải minh bạch việc hình thành giá, để kiên quyết thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình hợp lý.

Thứ hai, tập trung thu NSNN đạt kế hoạch năm 2014 ngay từ đầu năm, theo hướng thu đúng, thu đủ, tìm mọi cách đấu tranh có hiệu quả với các hành vi gian lận thuế, đồng thời  triển khai các chính sách miễn, giãn, giảm thuế theo đúng quy định. Phải hết sức chú ý các trường hợp khoán thu. Tình trạng “cưa đôi” thuế rất nguy hiểm...

Thứ ba, quản lý chi tiêu NSNN chặt hơn, vì hiện vẫn còn lãng phí. Báo cáo tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương mới đây cho thấy, các đoàn đi công tác nước ngoài quá lớn, 3.000 - 4.000 đoàn với khoảng 20.000 lượt người/năm. Bộ trưởng Tài chính cần rà soát kỹ lại dự toán NSNN năm 2014 chi cho đi công tác nước ngoài là bao nhiêu, trên cơ sở đó kiểm soát chặt chi tiêu hơn nữa.

Thứ tư, ngành Tài chính cần tăng cường phối hợp với ngành Ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Cùng với tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vốn, trong đó có TTCK, thị trường bảo hiểm, nhằm đảm bảo hệ thống tài chính là huyết mạch của nền kinh tế.

Tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty có nhiều việc phải làm, nhưng trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, quản lý tốt đồng vốn của Nhà nước. Cần tranh thủ TTCK bắt đầu khởi sắc trở lại, để đẩy mạnh cổ phần hóa.

Điểm lại những DN cổ phần hóa cho thấy, hầu hết đều phát triển tốt hơn, nên sắp tới cần mạnh dạn hơn trong thúc đẩy cổ phần hóa. Những DN nào Nhà nước cần chi phối, thì giữ 65% vốn điều lệ, nhưng số lượng nên rất hạn chế. Hiện chủ trương đã có, vấn đề quan trọng là thực hiện như thế nào...

Thứ năm, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2014, Bộ Tài chính không được để tái diễn tình trạng nợ đọng văn bản chính sách, nhằm góp phần đưa nhiều chủ trương, chính sách quan trọng sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô.

>>Trăn trở của nhân sự ngành đầu tư, tài chính

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Năm 2015, sẽ xử lý hết nợ xấu!