Thủ tướng: Không giảm 30 loại phí của chứng khoán, thị trường khó có thể lớn mạnh

Thủ tướng: Không giảm 30 loại phí của chứng khoán, thị trường khó có thể lớn mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang tạo ra nguồn huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, hỗ trợ cho hệ thống tín dụng ngân hàng.

Đây là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021 diễn ra sáng 8/1 tại Hà Nội.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết ngày 31/12/2020, VN-Index đạt trên 1.103 điểm, tăng 14,9% so với năm 2019; vốn hóa thị trường đạt khoảng 87,7% GDP, tăng 20,8% so cuối năm 2019. Với kết quả trên, Việt Nam đang là một trong những thị trường đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới.

“Với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước và các chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển và chuyên nghiệp, quy mô thị trường ngày càng tăng. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã tăng trưởng tích cực, năm sau cao hơn năm trước, mức vốn hóa năm 2020 đã tăng gấp đôi so năm 2016 (43,3% GDP)”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự phát triển của thị trường chứng khoán năm 2020, song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Không giảm 30 loại phí của chứng khoán, thị trường khó có thể lớn mạnh, khó có thể phát triển bền vững”.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021.

Nhìn rộng hơn về nền kinh tế, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, thu chi ngân sách đang chuyển biến theo hướng bền vững hơn. Cụ thể, về tổng thu ngân sách nhà nước, tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%), mức rất tích cực trong điều kiện thu ngân sách nhà nước năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến.

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Mặt khác, điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương.

Ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/01/2021) đạt 92-93% dự toán. Bên cạnh đó, đã thực hiện giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt khoảng 75% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 26 nghìn tỷ đồng vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển không thực hiện được, phải hủy dự toán.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tài khóa

Năm 2021, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nội dung lớn.

Trong đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Đáng chú ý là quyết tâm tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, tài sản công, đất đai, tài nguyên; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; quản lý giá, thị trường chặt chẽ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục được quan tâm, phát triển. Đi cùng với đó là yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt mở rộng kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Tin bài liên quan