Trong khuôn khổ diễn đàn, do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ba phiên thảo luận với phần trình bày của các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các tổ chức quốc tế và đặc biệt sự tham gia đóng góp ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều ngành nghề như Vietjet, FPT, Vingroup… đã thu hút sự quan tâm và ghi nhận những ý kiến đóng góp quan trọng.
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà với phần tham luận về vai trò chủ động của doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã có nhiều chia sẻ từ vai trò của một doanh nghiệp hàng đầu đang vận hành với nguồn nhân lực đến từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới, trong một ngành nghề đặc thù.
Nữ lãnh đạo của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam cho biết: “Hàng không là một ngành đặc thù và nguồn nhân lực hàng không cũng rất đặc thù khi các yêu cầu đầu vào không nhất thiết phải có trình độ đại học nhưng phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để đáp ứng được các hệ thống đánh giá và bằng cấp, chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế.”
Xây dựng và thực thi kế hoạch nguồn nhân lực hàng không chủ động, hệ thống khung chính sách đãi nghộ theo mặt bằng quốc tế, không phân biệt quốc tịch là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Vietjet, không chỉ đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp mà còn cho thị trường.
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà
Chia sẻ về việc chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt cho ngành hàng không, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết, với chủ trương xây dựng hãng hàng không đa quốc gia, Vietjet đầu tư tỉ lệ hài hòa giữa phi công Việt Nam và quốc tế. Để tạo điều kiện cho sự phát triển nghề nghiệp trình độ cao cho người Việt, hãng hàng không cũng định hướng duy trì tỉ lệ cao phi công Việt Nam.
“Do kế hoạch tốt, chính sách phù hợp nên từ lúc bắt đầu với 3 tàu bay đến nay hãng đã vận hành hơn 80 tàu bay, bao gồm cả liên doanh Vietjet Thái Lan, chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề về nguồn nhân lực. Vietjet có quy trình tuyển chọn và đào tạo phi công, tiếp viên, điều phái bay, kỹ sư, thợ kỹ thuật… theo đúng quy chuẩn quốc tế bao gồm kiểm tra trình độ, kinh nghiệm, sức khoẻ và lý lịch nhân thân. Sau khi vượt qua các khoá kiểm tra, huấn luyện bay và đạt chứng chỉ bay, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét cấp bằng cho phi công, điều phái, kỹ sư,…”
Tính đến ngày 31/8/2019 Vietjet có 791 phi công trong đó phi công có kinh nghiệm trên 5.000 giờ bay chiếm tỷ lệ 42%, phi công có kinh nghiệm trên 10.000 giờ bay chiếm tỷ lệ 12%. Phi công là ngành nghề đối mặt với áp lực công việc lớn, mức độ chịu đựng căng thẳng cao nên cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và đầy đủ vào từng thời điểm trong ngày hay trong tuần. Vietjet đảm bảo tất cả phi công sẽ có một ngày nghỉ trong khoảng 3-4 ngày làm việc, nghỉ phép có lương 1 tuần mỗi tháng, đi du lịch miễn phí trên khắp các điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam và quốc tế nơi hãng có đường bay.
Công tác đầu tạo nguồn nhân lực được đầu tư mạnh mẽ. Vietjet đã hợp tác đào tạo với các đối tác danh tiếng trong và ngoài nước như Airbus, CAE, RMIT, với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội… nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm, phát triển sự nghiệp cho hàng ngàn lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển không chỉ của riêng Vietjet mà còn trong khu vực và thế giới.
Trong vai trò chủ động đào tạo nguồn nhân lực, hãng hàng không Vietjet đã có đầu tư mạnh mẽ vào Học viện Hàng không - cơ sở đào tạo - nghiên cứu ứng dụng công nghệ hàng không được đầu tư hiện đại nhất trong khu vực, đáp ứng bộ tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn hàng đầu thế giới do Vietjet và tập đoàn hàng không Airbus phối hợp xây dựng và vận hành. Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho đến nay nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ tập đoàn hàng không danh tiếng Airbus. Tiền thân là Trung tâm đào tạo của Vietjet được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn từ năm 2014, đến tháng 11/2018, Học viện Hàng không Vietjet chính thức ra mắt và kế thừa những thành quả của những năm trước đây.
Tổ hợp buồng lái mô phỏng khai trương tháng 11/ 2018, đến 30/6/2019, Vietjet đã khai thác huấn luyện 3.178 giờ tại đây cho 2.809 lượt học viên và giáo viên. Hoạt động huấn luyện, đào tạo của Vietjet cũng hết sức khả quan với 827 khóa đào tạo phi công, bao gồm buồng lái ảo cho 9.987 lượt học viên, 592 khóa đào tạo cho 9.339 lượt tiếp viên, 134 khóa cho 1.553 lượt chuyên viên điều hành bay, 485 khóa cho khối kỹ thuật với 11.801 lượt kỹ sư, thợ máy trình độ cao.
Học viện cũng là nơi đào tạo 14.381 lượt học viên khối dịch vụ mặt đất, phục vụ cho tất cả các đầu sân bay mà hãng khai thác. Với hàng trăm đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, với gần 4.000 khóa huấn luyện trong những năm qua. Với kế hoạch phát triển của mình và gần 5.000 nhân viên, trong 5 năm tới, tính trung bình mỗi năm hãng hàng không Vietjet sẽ có kế hoạch bổ sung thêm khoảng 1.000 lao động hàng không trình độ cao.
Trong khuôn khổ hoạt động của diễn đàn, ngày 15/11, Vietjet cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, hướng nghiệp...
Sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng lao động, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam là thực sự cần thiết để tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo. Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Tại Vietjet, bên cạnh hoạt động đào tạo chuyên môn tại Học viện Hàng không, chúng tôi cũng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề chuyên nghiệp… hướng tới các chương trình đào tạo được thiết kế riêng và sát với nhu cầu của các doanh nghiệp trong thị trường lao động nói chung, ngành hàng không nói riêng. Ở vai trò là người sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ có những đóng góp thiết thực nhất vào các bước hoàn thiện quy trình, nội dung giáo dục nghề nghiệp.”
Ngoài ra, với sứ mệnh mang tới những giá trị tốt đẹp mới cho cộng đồng và trách nhiệm của một doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong ứng đụng đào tạo tiên tiến, Vietjet tham gia tích cực vào các hoạt động hướng nghiệp cho thế hệ trẻ, đồng hành cùng rất nhiều chương trình đào tạo kỹ năng mềm, ươm mầm những tài năng trẻ bằng rất nhiều các học bổng khuyến học, hỗ trợ kiến thức và kinh nghiệm cho các bạn trẻ trên con đường sự nghiệp. Thực tế cho thấy, thành công của Vietjet cũng mang lại nguồn cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho nhiều người trẻ Việt Nam, khẳng định năng lực, tài năng và kỹ năng của lao động Việt Nam.
Kết thúc phần phát biểu của mình, bà Nguyễn Thanh Hà khẳng định: “Chúng tôi tin rằng, sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, tạo ra một môi trường lao động tốt, lành mạnh, thu hút đầu tư cho thị trường nội địa và có khả năng làm việc tốt, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho cả các thị trường nước ngoài.”
Phát biểu khép lại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam – “những con sếu đầu đàn” trong chiến lược nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam: “Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thời gian qua đã có chuyển biến rất tích cực, có thể nêu ra những tấm gương tốt như Viettel, Vietjet, FPT..”.
Thủ tướng khẳng định sự nghiệp đào tạo nghề nghiệp góp phần quyết định tới sự thành bại của một quốc gia, tin tưởng rằng các cơ quan chính quyền, các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sẽ năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức, dựa nhu cầu của mỗi bên, tiếp tục có những đột phá mô hình hợp tác hiệu quả, các bên cùng có lợi, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó đưa sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp lên một tầng cao mới để giáo dục nghề nghiệp Việt Nam có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, đưa kinh tế Việt Nam phát triển.