Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Cộng hòa Kazakhstan, thăm chính thức Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân, Cộng hòa Bồ Đào Nha và Cộng hòa Bulgaria từ ngày 29/5 đến 6/6 tới.
Chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thực hiên theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Karim Massimov, Thủ tướng Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân Abdelmalek Sellal, Thủ tướng Cộng hòa Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho, Thủ tướng Cộng hòa Bulgaria Boyko Borissov.
Phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên EEU
Việt Nam và Cộng hòa Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Hai nước có quan hệ chính trị tốt đẹp. Hai bên mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa... Hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Hai nước đã công nhận nhau là nền kinh tế thị trường.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm linh kiện và điện tử, hạt điều, hạt tiêu, dệt may... Kazakhstan chủ yếu xuất sang Việt Nam các mặt hàng như sắt thép, bông...
Hợp tác về năng lượng dầu khí đã được khai thông với việc ký kết một số thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Công ty dầu khí quốc gia Kazakhstan. Bên cạnh đó, hai bên cũng tăng cường giao lưu, hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương. Trong thời gian qua, hai bên đã ký một số Hiệp định khung về kinh tế, thương mại, lao động, bảo hộ đầu tư...
Ngày 29/5/2014, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Tổng thống ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan đã ký Hiệp ước thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
EEU gồm Ủy ban về kinh tế; Ủy ban về nguồn dự trữ tài nguyên; Ủy ban về nhóm công nghiệp-tài chính liên quốc gia và các xí nghiệp liên doanh; Ủy ban về đơn vị thanh toán tiền tệ; Ủy ban về môi trường; Ngân hàng đầu tư quốc tế của EEU; Trọng tài quốc tế của EEU.
Các thành viên của EEU sẽ thực hiện chính sách phối hợp trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. Các nước có nghĩa vụ bảo đảm tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ vốn và lực lượng lao động. Trong Liên minh, tất cả quyết định quan trọng sẽ được cùng nhau thông qua trên cơ sở gắn kết với chính sách kinh tế của các quốc gia thành viên.
Từ 1/1/2015, Liên minh Hải quan chuyển thành Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Đến nay, sau 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức kết thúc.
Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của Liên minh; từ đó, tăng cường quan hệ song phương và trao đổi các biện pháp nhằm triển khai cụ thể Hiệp định với từng nước.
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Algeria
Việt Nam-Algeria thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28/10/1962. Tháng 11/1962, Việt Nam mở Sứ quán thường trú tại Algers và tháng 4/1968, Algeria mở Sứ quán thường trú tại Hà Nội. Việt Nam và Algeria có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác. Hai nước cũng duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian qua.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm càphê, gạo, điện thoại các loại và linh kiện... Kim ngạch xuất khẩu quý 1 vừa qua đạt 68,6 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 35,27 triệu USD, càphê 18,24 triệu USD, gạo 2,6 triệu USD. Hiện nay Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi.
Về đầu tư, PetroVietnam (Việt Nam) đang triển khai dự án thăm dò, khai thác dầu tại Algeria; dự kiến khai thác thương mại vào tháng Sáu tới. Hiện nay, có khoảng 1.200 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc cho các nhà thầu của các nước thứ ba (Nhật Bản, Trung Quốc...) tại Algeria. Việt Nam và Algeria cũng đã ký kết hàng chục Hiệp định, Thỏa thuận, Nghị định, Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, khoa học kỹ thuật, thương mại, vận tải biển, y tế, giáo dục...
Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Bồ Đào Nha
Việt Nam và Bồ Đào Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/7/1975. Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị thông qua các Đại sứ quán kiêm nhiệm và các diễn đàn quốc tế lớn. Ngoài ra, hai nước cũng phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế lớn, thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tuy còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2008 tổng kim ngạch hai chiều đạt 90 triệu USD, tăng 50% so với năm 2007; đến năm 2014 đạt 364 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha gồm cà phê, thủy sản, đồ gỗ và giày dép. Bồ Đào Nha chưa có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và Việt Nam cũng chưa có dự án đầu tư vào Bồ Đào Nha.
Việt Nam-Bulgaria đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt
Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (8/2/1950), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Từ năm 1950 đến 1989 quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, Bulgaria đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp, hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương.
Về quan hệ hợp tác kinh tế, tháng 3/2001, hai bên ký Hiệp định mới về kinh tế-thương mại, dành cho nhau quy chế tối huệ quốc. Việt Nam xuất khẩu sang Bulgaria các mặt hàng truyền thống như dệt may, giày da, càphê, hạt tiêu, thuốc lá, than đá, thủy sản... và nhập khẩu của Bulgaria các mặt hàng như hóa chất, tân dược, rượu vang, máy móc, thiết bị đóng tàu, lúa mỳ, thức ăn gia súc...
Bulgaria đứng thứ 59 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; khoa học công nghệ; dịch vụ.
Trong hợp tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, trước năm 1990, Bulgaria đã giúp đào tạo cho Việt Nam hơn 3.600 cán bộ khoa học, chuyên gia các cấp và khoảng 30.000 công nhân lành nghề. Bulgaria có thế mạnh đào tạo trong các ngành xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, công nghệ sinh hóa, nông nghiệp, du lịch.
Tháng 9/2012, trong khuôn khổ chuyến thăm Bulgaria của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hai bên ký tiếp Chương trình hợp tác giai đoạn 2012-2016. Theo đó, hàng năm, hai bên trao đổi 1 học bổng đại học, 1 học bổng tiến sỹ và 1 học bổng thực tập sinh. Đồng Thời, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Sofia đưa ngôn ngữ hai nước vào giảng dạy.
Về văn hóa, trước năm 1990, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn ca múa nhạc. Tháng 4/2014, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Bungari, hai bên đã ký "Chương trình họp tác Văn hóa giai đoạn 2014-2016" nhằm chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Ngoài ra, hai nước cũng đã hợp tác tích cực trong các lĩnh vực du lịch, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, lao động, hợp tác địa phương...
Hiện có hơn 1.000 người Việt Nam sinh sống tại Bulgaria, trong đó gần 1/2 đã nhập quốc tịch Bulgaria, phần lớn đều có cuộc sống tương đối ổn định, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc, thủ công-mỹ nghệ hoặc nông phẩm. Việt Nam và Bulgaria đã ký một số Hiệp định, Nghị định thư, Tuyên bố chung Biên bản ghi nhớ hợp tác, thỏa thuận...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria thể hiện chính sách hợp tác toàn diện của Việt Nam với châu Âu và Liên minh châu Âu và coi trọng họp tác với châu Phi.
Chuyến thăm nhằm trao đổi với các nước về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kinh nghiệm phát triển bền vững, chuyển đổi nền kinh tế, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với biến động của kinh tế toàn cầu.
Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy những khuôn khổ hợp tác mới; thu hút doanh nghiệp các nước phát triển kinh doanh và đầu tư với Việt Nam; trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương đi vào hiệu quả trên mọi mặt.