Diễn đàn thu hút sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp và tổ chức đến từ châu Á, Trung Đông, châu Âu và Hoa Kỳ vào các phiên thảo luận về những xu hướng đang nổi có thể định hình tương lai của khu vực.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc tại phiên đầu tiên với chủ đề “Khai phá cơ hội tăng trưởng trong và sau đại dịch COVID-19”.
“Thế giới và ASEAN đang chứng kiến sự bùng phát và tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế ASEAN đang phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nặng nề. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tôi thấu hiểu và chia sẻ với các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế về việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp và việc làm của hàng chục triệu người lao động. Đặc biệt là khó khăn trong hàng không, du lịch, dịch vụ... đang từng ngày vượt quá sức chịu đựng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ những quyết sách hợp tác kinh tế mạnh mẽ của ASEAN.
Cụ thể, trước tiên, các nước ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất, giữ vững ổn định, khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác kinh tế khu vực và ưu tiên hợp tác với các quốc gia đối tác và các doanh nghiệp quốc tế. Trong khi một số diễn đàn đa phương, như WTO, đang gặp khó khăn, thì Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể là "nơi chốn bình an" để chúng ta cùng nhau hợp tác.
Thứ hai, ASEAN đề cao thượng tôn pháp luật, xây dựng các khuôn khổ hợp tác mang tính ổn định, bền vững, đặc biệt là cho phát triển nền kinh tế số. ASEAN có đủ sức cạnh tranh thu hút sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng tại khu vực.
Thứ ba, ASEAN đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng (đường bộ, cảng biển, sân bay, năng lượng, viễn thông…) và hạ tầng mềm (hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính …), trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho đầu tư, kinh doanh hiệu quả.
Thứ tư, ASEAN phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển, thực sự lấy người dân làm trung tâm, lợi ích cộng đồng làm cơ sở. Mở rộng hợp tác trong Tiểu vùng Mê Công - nơi có rất nhiều tiềm năng chờ đón các luồng vốn đầu tư kinh doanh.
Cuối cùng, ASEAN coi trọng đồng hành giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Chính phủ chắp cánh cho doanh nghiệp vươn tới và doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp phát triển, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện về quản trị, phục vụ. Những sáng kiến, khuyến nghị tại Diễn đàn lần này sẽ được trân trọng lắng nghe và tiếp thu.
"ASEAN và Việt Nam chào đón các Bạn doanh nghiệp, hãy đến và cùng chúng tôi hành động và thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bà Judy Hsu, Tổng giám đốc khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ, sống và làm việc trong một thế giới với sự hiện hữu của dịch COVID-19 giờ đây đã trở thành trạng thái bình thường mới. Bên cạnh những tình huống và thách thức chưa từng có tiền lệ và không được dự báo trước mà tất cả chúng ta đều phải thích nghi, đại dịch COVID-19 cũng tạo ra những sự thay đổi về thái độ và tư duy, thúc đẩy chúng ta phải hành động, đưa ra những mô hình kinh doanh mới và tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng.
“Đây là thời điểm thích hợp để các bên liên quan ngồi lại với nhau và tìm kiếm các cơ hội mới tại ASEAN, một khu vực đầy tiềm năng với lực lượng lao động trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và nền kinh tế số phát triển đầy sôi động”, bà Judy Hsu nói.
Nối tiếp Diễn đàn Kinh doanh ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered sẽ tổ chức một chuỗi các phiên thảo luận chuyên sâu về từng quốc gia trong tháng 9 tới. Phiên thảo luận về Việt Nam sẽ diễn ra vào 3h chiều ngày 7/9. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng sẽ có bài phát biểu khai mạc tại sự kiện và tham gia phiên thảo luận cùng các diễn giả khác.