Bộ nào cũng có lý
Một số cuộc làm việc giữa Đoàn công tác khảo sát tình hình quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với một số doanh nghiệp, cơ quan hải quan địa phương bỗng chuyển thành cuộc tranh luận giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước.
Khi Cục Hải quan TP. HCM nhận định, kiểm tra quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang làm kéo dài thời gian thông quan, tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả chưa cao, đại diện nhiều cơ quan có mặt cho rằng, hiện tại quy định đang là như vậy thì phải thực hiện, cùng với đó dẫn chiếu các văn bản liên quan.
Có đại diện cơ quan quản lý nhà nước không tin khi doanh nghiệp cho biết, họ phải mất 12 ngày mới hoàn tất thủ tục để có được “Thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” với lô hàng bột trộn và bánh mỳ, đề nghị doanh nghiệp phải xuất trình được biên bản lấy mẫu, cho dù Thông báo đã có ghi ngày kiểm tra của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.
“Tôi vừa hỏi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, họ chỉ mất 3 ngày để ra thông báo này”, vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước này nói và giữ quan điểm cho rằng, lỗi của doanh nghiệp chưa làm đúng các văn bản hướng dẫn.
Thậm chí, đại diện Bộ Công thương còn cho rằng, khi đoàn công tác nghe kiến nghị của doanh nghiệp cũng phải cẩn thận, vì các quy định về kiểm soát năng lượng tối thiểu đang thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu muốn thay đổi thì phải sửa luật.
Câu trả lời trên được đưa ra khi Đoàn công tác đặt câu hỏi, tại sao một doanh nghiệp ở Lạng Sơn phải chuyển về Hà Nội lô hàng 8 chiếc tủ mát cùng chủng loại, cùng nhà sản xuất, nhưng khác model cũng vì yêu cầu dán nhãn năng lượng. Trị giá của lô hàng này là 8.000 USD (khoảng 170 triệu đồng), nhưng họ đã phải trả chi phí kiểm định hiệu suất năng lượng là 130 triệu đồng. Số tiền này chưa tính chi phí vận chuyển hàng và các chi phí khác...
“Doanh nghiệp đã đề nghị là chuyển một chiếc về kiểm tra, nhưng không được chấp thuận”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết.
Doanh nghiệp còn khổ
Là người chứng kiến các cuộc tranh luận này, bà Thảo cho rằng, các bộ đều nói đang thực hiện luật, nhưng câu hỏi cần đặt ra lúc này là các quy định hiện có phù hợp hay không, có cần phải sửa đổi hay không thì lại không thấy cơ quan quản lý nhà nước nào đặt ra.
Vì, nếu nhìn vào hệ thống văn bản, có thể ngay chính đại diện các bộ, ngành cũng không thể ngờ rằng, doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan đang phải đối mặt với hệ thống văn bản “khủng khiếp” như vậy.
Đơn cử như cùng là kiểm tra an toàn thực phẩm, 3 bộ là Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia nhau trách nhiệm quản lý các nhóm hàng khác nhau, nên ra các thông tư khác nhau.
"Để xử lý tận gốc, phải thay đổi tư duy, thay đổi thể chế, các văn bản pháp luật chuyên ngành."
- Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM
“Các văn bản khác nhau nên quy định về hồ sơ, thủ tục kiểm tra khác nhau. Có những đơn vị được cả 3 bộ chỉ định kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng khi động đến sản phẩm nào thì họ phải áp dụng hồ sơ, thủ tục theo quy định của bộ đó, rất rối. Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ như vậy”, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TP. HCM) cho biết.
Hay như, Bộ Công thương có Công văn 6190/2014/BTC-XNK hướng dẫn không áp dụng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với thực phẩm làm thủ tục nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất, nhưng Công văn 1287/2016/BYT-ATTP của Bộ Y tế lại vẫn yêu cầu kiểm tra...
Thậm chí có những văn bản hết hiệu lực, nhưng nhiều nơi vẫn đang áp dụng. Điển hình, theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành các sản phẩm hàng hóa nhóm 2, cần phải kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi có nhiều bộ chưa ban hành xong, Bộ Khoa học và Công nghệ lại có hướng dẫn nếu mặt hàng nào chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì áp dụng theo Quyết định 50/2006/QĐ-TTg. Vấn đề là, Quyết định này đã hết hiệu lực kể từ năm 2008, vì cơ sở pháp lý để ban hành Quyết định là Pháp lệnh hàng hóa năm 1999 đã hết hiệu lực sau khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM nhận xét rằng, hệ lụy của tình trạng này là sự tùy tiện trong thực thi. “Tôi cho rằng, nếu chúng ta cứ ngồi bảo vệ lợi ích của nhau thì không thể giải quyết được. Vì để xử lý tận gốc, phải thay đổi tư duy, thay đổi thể chế, các văn bản pháp luật chuyên ngành. Có nghĩa là phải thay đổi cách làm, phương pháp quản lý”, ông Thắng khuyến nghị.