Bộ Tài chính là đơn vị khoán kinh phí sử dụng xe công. Ảnh MOF

Bộ Tài chính là đơn vị khoán kinh phí sử dụng xe công. Ảnh MOF

Thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, chủ tịch tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ không còn được xe công đưa đón?

Bộ Tài chính đề xuất đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước) phải khoán bắt buộc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 2399/BTC-QLCS gửi các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập xin ý kiến góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính, dự thảo này được xây dựng nhằm thay thế Quyết định 32 ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước gồm 6 chương 24 điều.

Trong dự thảo, nhiều chức danh tại cấp bộ, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang được bố trí xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác sẽ không còn được bố trí xe phục vụ. Thay vào đó là hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hàng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm. Đồng thời, khi đi công tác, những cán bộ này có thể được chọn hình thức bố trí xe sử dụng chung của đơn vị hoặc nhận kinh phí khoán theo hình thức tự nguyện.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước) phải khoán bắt buộc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án khoán kinh phí như sau:

Phương án 1: Đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%.

Phương án 2: Mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.

Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định. Trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Phương án 2: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên xem xét quyết định.

Khi đi công tác, các chức danh kể trên được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, hoặc thuê xe dịch vụ.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất thay đổi tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ôtô phục vụ công tác chung theo hướng giảm định mức sử dụng xe. Mục đích nhằm thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016 của Thủ tướng về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, phấn đấu đến năm 2020 giảm 30-50% số lượng ôtô công phục vụ công tác được trang bị cho các Bộ ngành, địa phương hiện có (trừ các địa bàn hải đảo, miền nói, vùng đặc biệt khó khăn).

Theo quy định hiện hành, chế độ khoán xe công được khuyến khích áp dụng và không phải quy định bắt buộc. Từ ngày 1/10/2016, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện chế độ bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe công đối với cấp Thứ trưởng và tương đương; từ ngày 1/1/2017 áp dụng xuống các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan