Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm'

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là vô cùng quan trọng, góp phần tích cực vào việc kiểm soát dịch bệnh.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Sáng 22/9, Đoàn Công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện dã chiến số 16 (do Bệnh viện Hùng Vương phụ trách) và Trạm Y tế lưu động tại phường 11, quận Phú Nhuận.

Nhiều nhận định về tình hình dịch COVID-19 đã được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra và có những định hướng, phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức là phòng tuyến quan trọng

Trong buổi thăm và làm việc, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến số 16 cho biết hiện 2 bệnh viện đang điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân, trong đó tại Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai có 360 bệnh nhân trong tình trạng nặng, tại Bệnh viện dã chiến số 16 có hơn 800 bệnh nhân, chủ yếu là sản phụ mắc COVID-19, với khoảng 20-30 sản phụ nhập viện/ngày.

Thời gian qua, bên cạnh lực lượng chủ chốt của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hùng Vương, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân và các hoạt động hậu cần cho Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Dã chiến số 16 còn có đội ngũ thầy thuốc chi viện từ các bệnh viện và các địa phương cùng đội ngũ tình nguyện viên và thành viên các tôn giáo. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai còn tích cực triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng hồi sức cấp cứu cho các bệnh viện tuyến quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó giáo sư Đỗ Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai cho hay công tác điều trị tuần qua đã có những tín hiệu khả quan với số lượng bệnh nhân tử vong giảm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Sau khi nghe báo cáo từ các bệnh viện, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã bày tỏ sự cảm phục với tinh thần quyết tâm trụ vững, đẩy lùi dịch bệnh của các thầy thuốc tuyến đầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Có lẽ, tới thời điểm này chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống. Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, của ngành y tế nói chung thì sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là hết sức quan trọng.”

Lợi thế của mô hình bệnh viện đa tầng

Kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam có 707.436 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.189 ca nhiễm).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (348.220), Bình Dương (183.314), Đồng Nai (41.432), Long An (30.850), Tiền Giang (13.375).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thời điểm đầu của dịch bệnh, Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Dã chiến số 16 nói riêng và các bệnh viện tuyến đầu khá ngổn ngang, thiếu thốn trang thiết bị, nhân lực. Với nỗ lực vượt bậc của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện, các trung tâm hồi sức tích cực và các bệnh viện điều trị COVID-19 đã nhanh chóng đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả tích cực.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của mô hình bệnh viện đa tầng. Đặc biệt, việc tập trung mô hình này trong một khu vực không những giúp đỡ bệnh viện tuyến dưới trong công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực điều trị, mà còn rút ngắn việc vận chuyển bệnh nhân chuyển nặng được nhanh chóng, kịp thời.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao con số 100 bệnh nhân xuất viện mỗi ngày tại Bệnh viện Hùng Vương và bày tỏ mong muốn các thầy thuốc giữ sức khỏe, giữ vững tinh thần.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh thêm: “Chúng ta đã làm tốt rồi và cần làm tốt hơn nữa để mang lại những hy vọng cho cuộc đời của các bệnh nhân, mang lại hy vọng cho những mầm sống của xã hội và tiếp tục đạt thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tin bài liên quan