Việc Cục Thuế TP HCM vừa ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một thanh niên có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trên mạng Facebook, Google, YouTube... nhưng không kê khai và nộp thuế đang gây chú ý dư luận. Bởi đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập từ mạng nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy.
Chàng trai này có hộ khẩu ở Sài Gòn, ngoài 20 tuổi, viết chương trình trò chơi điện tử được tải nhiều trên mạng Facebook, Google, YouTube... Anh đã chạy quảng cáo trên các chương trình này và được trả 41 tỷ đồng trong hai năm 2016 và 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế.
Qua tra soát của cơ quan thuế, không chỉ trường hợp trên "quên" kê khai và nộp thuế mà còn có hàng nghìn cá nhân khác tại Việt Nam (có người nhận vài chục triệu, nhưng cũng có người nhận hàng tỷ đồng) từ Facebook, Google, YouTube... nhưng cũng chưa kê khai và nộp thuế.
Vậy những trường hợp có nguồn thu nhập từ mạng nước ngoài phải nộp thuế như thế nào?
Theo lãnh đạo Cục thuế TP HCM, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh (chứ không phải cá nhân nhận tiền lương, tiền công).
Theo quy định hiện hành, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế. Và căn cứ vào biểu tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu được xác định theo quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 92 của Bộ Tài chính, các trường hợp trên thuộc nhóm cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, ngành dịch vụ có tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp là 2%.
Theo đó, những cá nhân có nguồn thu nhập từ mạng nước ngoài phải đóng mức thuế là 7% trên thu nhập (gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).
Do đó, trường hợp của chàng trai viết trò chơi điện tử bị truy thu, với mức thu nhập (doanh thu) 41 tỷ đồng nhân, với thuế suất 7%, anh cần đóng gần 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do người này không khai và nộp thuế trong thời gian dài nên bị phạt và tính tiền chậm nộp thêm 1,2 tỷ đồng.
Theo cơ quan thuế, nếu muốn đăng ký kê khai thuế, người dân có thể tới bất cứ Chi cục Thuế nào đang cư trú hoặc tạm trú. Trong đó, hồ sơ đăng ký thuế bao gồm tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03 và các bảng kê (nếu có).
Bản sao không yêu cầu chứng thực giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực (đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam).
Bản sao cũng không yêu cầu chứng thực hộ chiếu còn hiệu lực (đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam sống ở nước ngoài).
Sau khi hoàn thành phần kê khai, hồ sơ đăng ký thuế sẽ được nộp trực tiếp tại Chi cục Thuế hoặc gửi qua đường bưu điện.