Mặc dù có hơn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng thu nhập bình quân của người lao động trong quý I năm nay không những không giảm mà còn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Nông nghiệp dẫn đầu về tăng thu nhập
Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động quý I năm 2021 đạt 6,3 triệu đồng/tháng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020; thu nhập của lao động ở thành thị cao hơn 1,5 lần so với nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
Thu nhập của lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (nông nghiệp) đạt 3,6 triệu đồng, tăng 181.000 đồng; công nghiệp và xây dựng đạt 7,2 triệu đồng, tăng 112.000 đồng và ở khu vực dịch vụ là 7,5 triệu đồng, tăng 55.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.
“Tính chung quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực nông nghiệp ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; dịch vụ tăng 1,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 0,8%. Như vậy, mặc dù nhìn chung thu nhập của người lao động vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ trước khi có dịch”, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Giải thích về việc thu nhập của người lao động tăng, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, hiện có 14,1 triệu người làm việc trong khu vực nông nghiệp, chiếm trên 28% tổng số lao động có việc làm. Nếu như quý I năm 2020, khu vực nông nghiệp hầu như không tăng trưởng thì quý I năm nay tăng 3,16% nên thu nhập của người lao động trong khu vực nông nghiệp tăng lên, kéo thu nhập bình quân của người lao động tăng.
“Mặc dù thu nhập bình quân chung tăng nhưng mức tăng này không đều giữa các ngành. Một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và thu nhập của lao động trong ngành đó bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như lao động trong ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí bình quân mỗi tháng giảm 359.000 đồng; vận tải kho bãi giảm 234.000”, ông Minh nói thêm.
“Kinh tế phục hồi, thị trường lao động vẫn “u ám” là do có độ trễ”, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Nhưng lý do chính khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I năm nay tăng so với cùng kỳ trong khi có tới 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập là do số người có việc làm trong khu vực chính thức giảm khoảng 200.000 người; “đội quân thất nghiệp” tăng thêm 12.100; lực lượng lao động giảm khoảng 600.000 người so với trước khi có dịch - diễn biến trái ngược so với các năm trước đây là lực lượng lao động bao giờ cũng tăng cùng với đà tăng dân số.
Tất cả những đối tượng này được loại ra khi tính thu nhập bình quân của người lao động (kể cả gần 2 triệu thanh niên “vô công rồi nghề” nhưng không tham gia học tập hoặc đào tạo), vì thế cho dù dịch bệnh vẫn luôn rình rập, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư cầm chừng nhưng thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng còn thu nhập bình quân của người dân chắc chắn là bị giảm.
Hy vọng những tháng cuối năm
Trái ngược với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bức tranh về thị trường lao động năm nay không phục hồi, thậm chí còn u ám hơn so với cùng kỳ năm 2020 khiến cho tốc độ tăng thu nhập quý I năm nay tăng thấp nhất (so với cùng kỳ) trong nhiều năm trở lại đây, theo ông Vinh là do sự phục hồi hoạt động giữa các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực không đồng đều.
“Quý I năm nay, GDP tăng trưởng 4,48%, cao hơn so với mức tăng 3,68% của quý I/2020 là do có sự đóng góp rất lớn của khu vực nông nghiệp (tăng 3,16%), trong khi đó, khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,34%. Trong khu vực dịch vụ, ngoại trừ hoạt động bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, bảo đảm thu nhập cho người lao động thì các lĩnh vực khác rất khó khăn, đặc biệt là ngành vận tải, kho bãi (giảm 2,17%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (4,49%); hoạt động du lịch, đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế gần như tê liệt khi trong 3 tháng đầu năm chỉ đón được vỏn vẹn 48.100 lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm trước khiến thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực phụ trợ du lịch khác giảm mạnh”, ông Phạm Quang Vinh giải thích thêm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, vì vậy ông Vinh tin là thị trường lao động và thu nhập của người lao động trong từ nay đến cuối năm sẽ sáng sủa hơn.
“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút số lượng lao động rất lớn và tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế khi mà trong quý I vừa qua tăng 9,45%. Hiện tại những lĩnh vực thu hút nhiều lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày… đã ký được đơn hàng xuất khẩu hết quý II, thậm chí nhiều doanh nghiệp dã có đơn hàng xuất khẩu hết quý III và cả năm 2021. Lĩnh vực sản xuất điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện cũng đang tăng tốc nên cần tuyển lao động vì thế tình trạng thất nghiệp, thiếu việc, phải giãn việc, nghỉ việc không lương, giảm thu nhập từ nay đến cuối năm giảm, thu nhập của người lao động được cải thiện”, ông Vinh nhận định.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, so với quý I năm 2021, hơn 85% số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo dự kiến quý II năm nay hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt lên và ổn định; 52% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 37,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới.
“Thị trường lao động luôn có độ trễ nhất định so với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bức tranh về thị trường lao động quý I còn nhiều gam màu tối là hệ quả của đại dịch Covid-19 để lại trong năm 2020. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần bình phục trong 6 tháng gần đây và đang dần tốt lên, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (khu vực đang thu hút hàng triệu lao động) nên tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc sẽ giảm xuống, thu nhập của người lao động sẽ tăng trở lại trong thời gian tới”, ông Vinh dự báo.