Hệ thống giao dịch trên HOSE liên tục gặp lỗi và mỗi ngày một trầm trọng

Hệ thống giao dịch trên HOSE liên tục gặp lỗi và mỗi ngày một trầm trọng

Thử nghiệm tạo bảng mới thuộc hệ thống giao dịch HNX, theo quy định của HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đang thử nghiệm việc tạo 1 bảng mới trên thị trường niêm yết thuộc hệ thống giao dịch của HNX theo kết cấu phiên, biên độ, loại lệnh, bước giá, lô giao dịch…của HOSE, định danh số chứng khoán này sẽ thuộc sàn HNX (kết nối/đặt lệnh/nhận kết quả/thanh toán).

Thử nghiệm bảng giao dịch mới trên hệ thống HNX

Đây là thông tin mà các nhân sự IT của các công ty chứng khoán nhận được từ HNX vào cuối tuần trước.

Theo thông báo này, việc tạo bảng mới trên hệ thống của HNX là công việc bình thường nằm trong thiết kế hệ thống có sẵn (giống như đã làm gần đây cho bảng ETF; Bảng trái phiếu doanh nghiệp).

Tuy nhiên có một điểm khác biệt so với các bảng trước đây đã tạo là cách thức giao dịch trên bảng này sẽ tương đồng với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

HNX đã dự Thảo tài liệu đặc tả bổ sung và gửi cho các nhân sự IT để cùng nghiên cứu và cùng phối hợp thử nghiệm. Về tài liệu chuẩn đặc tả chuẩn FIX sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào về cấu trúc hoặc trường dữ liệu (TAG) ngoài bổ sung giá trị cho các TAG và kích hoạt lệnh đã có sẵn trên hệ thống.

Nếu công ty chứng khoán nào đã hiệu chỉnh xong có thể thống báo đăng ký hệ thống để thử nghiệm.

Đây là một trong những giải pháp được các cơ quan quản lý thị trường đưa ra và thử nghiệm nhằm giảm tải tối đa tình trạng nghẽn lệnh, treo lệnh, lệnh vào hệ thống chậm… trên HOSE gây ảnh hưởng mạnh tới các nhà đầu tư.

Giải pháp chiếm được cảm tình hơn của số đông nhà đầu tư

Ngay trước thông tin này, HOSE đề xuất giải pháp “nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 cổ phiếu” và tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trên thị trường.

Một số ý kiến đồng tình với giải pháp tạm thời nâng lô để ưu tiên giải quyết vấn đề trước mắt là nghẽn lệnh. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến của nhà đầu tư cũng như thành viên thị trường phản đối gay gắt. Vấn đề được nêu ra nhiều nhất là “hạn chế quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia thị trường” và đi kèm đó là giải pháp xử lý lô lẻ hiện nay có phần thiệt thòi cho nhà đầu tư.

Nói về lô lẻ, khi nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, số lượng lô lẻ nhiều hơn hẳn so với việc nâng lô từ 10 lên 100 trong tháng 1/2021 vừa qua. Theo đó, phần giá trị thiệt hại do nắm giữ lô lẻ của nhà đầu tư cũng cao hơn, bởi giá thu mua thường thấp hơn thị giá, nhiều công ty chứng khoán thậm chí đưa mức giá chỉ bằng 60 - 70% đối với một nhóm nhỏ cổ phiếu được phân loại theo tiêu chí của họ.

Ghi nhận tại nhiều công ty chứng khoán, việc giao dịch lô lẻ không khó khăn, chỉ cần đăng ký trên hệ thống giao dịch của mỗi công ty chứng khoán là có thể giao dịch lô lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, thời gian giao dịch ở một số công ty có quy định sẵn, không phải muốn bán lúc nào là bán và giá bán sẽ phụ thuộc vào ngày chốt giá bán cổ phiếu lô lẻ từ công ty chứng khoán đó.

Về giá giao dịch, đa số ở các công ty chứng khoán đưa ra mức giá sàn tại ngày thực hiện giao dịch. Có công ty đưa thẳng 90% giá tham chiếu của ngày ký kết hợp đồng, hoặc giá bán bằng 90% giá đóng cửa. Có công ty chứng khoán còn thu mua với mức giá sàn cộng thêm 10 - 20% tổng giá trị chứng khoán lô lẻ thực hiện giao dịch…

Chưa kể, do quy định về việc mua cổ phiếu quỹ (trong trường hợp công ty chứng khoán mua lại lô lẻ ở chính cổ phiếu công ty), quy định về công bố thông tin, cũng như tính thanh khoản của các cổ phiếu, công ty chứng khoán có thể sẽ đưa ra quy định từ chối thực hiện một số cổ phiếu trên thị trường UPCoM và các cổ phiếu cụ thể khác. Điều này cũng gây hạn chế việc bán lô lẻ đối với nhà đầu tư.

Theo chia sẻ từ giám đốc phân tích của công ty chứng khoán, trên thế giới, ở các thị trường phát triển khác tăng lô lớn với các cổ phiếu thị giá lớn, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có thể tiếp cận được nhờ tỷ lệ đòn bẩy tại thị trường đó rất lớn, có thể ở tỷ lệ 1:10, 1:100…

Bên cạnh đó, họ cũng có thể tạo ra các thị trường phân mảnh để nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đầu tư. Chẳng hạn như thị trường chứng quyền, phái sinh và cả chứng chỉ quỹ ETF thụ động…, giúp nhà đầu tư tiếp cận các cổ phiếu giá trị cao.

Trong khi đó ở Việt Nam, thị trường chứng quyền và phái sinh đang ở quy mô nhỏ, thanh khoản chưa cao, còn với chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF, do đặc điểm của các nhà đầu tư cá nhân vẫn ưa thích tự đầu tư thay vì gửi tiền vào quỹ, chưa kể đến trong năm 2020, rất nhiều nhà đầu tư thắng lớn, trong khi các quỹ lại bán cổ phiếu ngay đáy tháng 3, nên ít nhà đầu tư cá nhân hào hứng với quỹ.

Theo vị này, giải quyết tức thời việc nghẽn lệnh có thể xem xét thêm các giải pháp như nâng bước giá. Ngoài ra, trên thị trường có bên thứ 3 cung cấp dịch vụ giao dịch tần suất cao (HFT), nên tốc độ vào lệnh nhanh và nhiều. Theo đó, có thể xem xét đề xuất với công ty chứng khoán đang cung cấp dịch vụ tần suất cao cho nhà đầu tư, khuyến cáo hạn chế sử dụng trong giai đoạn này để giảm tải hệ thống. Giải pháp này rất cần ý thức của các công ty chứng khoán thành viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán đang sử dụng dịch vụ HFT của Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm Tài chính (FSS). Theo giới thiệu, công ty này được thành lập tháng 3/2008 bởi một đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm tài chính ngân hàng, với định hướng hoạt động cung cấp các giải pháp và dịch vụ phần mềm cho lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam và quốc tế.

Hiện FSS đang có sản phẩm/dịch vụ là Hệ thống High Frequency Trading (HFF) - là phần mềm FrontOffice dành cho các công ty chứng khoán phục vụ tính năng giao dịch tự động, tốc độ cao.

Những đặc điểm nổi bật của Hệ thống HFT bao gồm xử lý giao dịch tốc độ cao bằng các công nghệ InMemory Database (IMDB), Streaming data; Đặt lệnh theo thuật toán (Algo Trade), cảnh báo tức thời theo tiêu trí do người sử dụng tự qui định; Tích hợp dễ dàng với các hệ thống khác như hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán, hệ thống đặt lệnh Bloomberg, Reuters…

FSS cung cấp sản phẩm HFT cho các CTCK, phục vụ tính năng giao dịch tự động, tốc độ cao.

FSS cung cấp sản phẩm HFT cho các CTCK, phục vụ tính năng giao dịch tự động, tốc độ cao.

Theo giới thiệu trên website, hiện tại sản phẩm HFT đã được triển khai thành công tại Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (Techcombank Securities), Công ty Chứng khoán Agriserco.

Ý kiến của phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán khác cũng bày tỏ không đồng tình với giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu. Vị này cho rằng, giải pháp này vô hình trung đã “loại” bớt người chơi khỏi cuộc chơi. Thay vào đó, vị này đề xuất 2 Sở và UBCK cùng thảo luận về giải pháp hữu hiệu khác, như chuyển một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang giao dịch trên hệ thống của HNX, như cổ phiếu ngân hàng, thậm chí cả nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán…, là những nhóm có vốn hóa lớn, thanh khoản lớn, hoặc chọn “bảng vàng” Top 10, Top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên HOSE mượn tạm hệ thống giao dịch trên HNX, thương lượng cùng doanh nghiệp để họ hiểu, giao dịch trên “bảng vàng” như là “thăng hạng” chứ không phải là chuyển xuống giao dịch ở một sàn nào thấp hơn cả.

Cơ quan chức năng cũng có thể có chính sách ưu ái/hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự nguyện việc này trong một khoảng thời gian nhất định- cho đến khi có hệ thống giao dịch mới.

“Tôi đã tham khảo các công ty cung cấp phần mềm, họ cho rằng, vấn đề kỹ thuật giữa công ty chứng khoán và Sở không có gì khó khăn. Sang bảng vàng giao dịch trên HNX tạm theo cơ chế trên HNX, các vấn đề về bước giá hay biên độ có thể HNX điều chỉnh riêng cho bảng vàng này không khó”, vị này chia sẻ.

Tương tự, trưởng phòng kỹ thuật một công ty chứng khoán khác cho rằng, giải quyết nghẽn lệnh là công việc của cơ quan chức năng quản lý và vận hành thị trường, không thể đưa ra giải pháp theo hướng đẩy sang nhà đầu tư nhỏ lẻ.

"Thẳng thừng mà nói, tôi cho rằng chỉ có 2 giải pháp, một là HOSE công bố thông tin minh bạch, rõ ràng rằng thị trường cần chấp nhận tình trạng này trong 6 tháng đến 1 năm chờ hệ thống mới. Hai là mượn tạm hệ thống xử lý của HNX là xong", vị này cho biết.

Về mặt kỹ thuật, vị này cho biết không có gì khó, vẫn bảng giá HOSE, biên độ, bước giá…không có gì thay đổi, chỉ là cài đặt chẳng hạn đến ngưỡng 80% công suất HOSE sẽ tự động chuyển các lệnh sau đó sang máy chủ HNX, và HNX ghi nhận lệnh, chuyển lại kết quả cho Trung tâm Lưu ký là xong.

Dĩ nhiên, một số công ty chứng khoán có thể hơi khó khăn hơn, vì hệ thống giao dịch được các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thì nay không thể chuyển đổi ngay vì dịch bệnh Covid, nhưng cơ quan chức năng có thể cân nhắc việc chia sẻ nguồn lực với nhau để đảm bảo có giải pháp hiệu quả nhất, thay vì giải pháp nâng lô rất ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tin bài liên quan