TTCK Việt Nam chưa phản ánh hết tiềm năng
Với hơn 93% vốn ngoại tập trung vào các cổ phiếu trên sàn HOSE, thống kê giao dịch khối ngoại tháng 10 vừa qua cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 14,7 triệu đơn vị với giá trị giao dịch đạt 5.401 tỷ đồng, bán ra 1 triệu đơn vị với giá trị 5.330 tỷ đồng. Riêng tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ 71 tỷ đồng, nhưng lũy kế 10 tháng đầu năm, khối này bán ròng hơn 5.304 tỷ đồng.
Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng bán ròng, trong đó có một vài giao dịch đặc thù, nhưng nhìn chung vốn ngoại vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Chỉ số chứng khoán tăng từ khoảng 570 điểm lên 680 điểm và đóng cửa phiên cuối tuần qua (4/11) ở mức 666 điểm cho thấy, thị trường có sự điều chỉnh, nhưng đây là sự điều chỉnh hợp lý để chuẩn bị cho một chu kỳ mới bắt đầu.
Về căn bản, tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao, trên 6,5% năm 2016, cùng với đó, Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy sự minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư và thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn. Tiềm năng thị trường, theo đó, còn rất lớn. Ở phạm vi quy mô nhỏ (vốn hóa khoảng 70 tỷ USD) như hiện nay, chỉ số chứng khoán dễ biến động và chưa phản ánh hết tiềm năng.
Theo Tổng giám đốc HSC, điểm mấu chốt hiện nay là một khi thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng, thì rất khó để nhà đầu tư nước ngoài chọn đầu tư một cách bền vững và lâu dài. “Nếu được nâng hạng, sẽ không chỉ giữ chân được khối nhà đầu tư hiện có, mà còn tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư khác, rót vốn vào Việt Nam”, ông nói.
Đồng quan điểm trên, bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc nghiệp vụ Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, việc nâng hạng thị trường sẽ là yếu tố kích thích đầu tư từ các khu vực kinh tế khác. Nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Đài Loan… ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam và bà Hoa dự báo rằng, nhóm cổ phiếu chào bán lần đầu hoặc Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn, sẽ tạo cú hích cho thị trường.
Ngoài những cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã biết rõ và nắm giữ trong một thời gian dài như VNM, HPG, FPT…, giá trị đã định giá đúng với thực tế, những cổ phiếu mới như Habeco, Sabeco… khi được chào bán công khai qua đấu giá, chắc chắn sẽ tăng sức hấp dẫn vốn ngoại và hình thành nên mặt bằng giá cạnh tranh.
Cần thêm nhiều sản phẩm
Một khảo sát do HOSE và Stoxplus thực hiện, lấy ý kiến của 115 quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc… cho thấy, câu trả lời chung nhất của các đối tượng này là: sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay ở những công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt, đặc biệt là những doanh nghiệp mới niêm yết và Nhà nước sắp thoái vốn.
Trong 115 quỹ đầu tư trên, có 72 tổ chức nước ngoài có tổng giá trị tài sản quản lý đạt 2,4 tỷ USD trong tổng số 10,8 tỷ USD vốn nước ngoài phân bổ vào Việt Nam, chủ yếu là các công ty quản lý quỹ có quy mô từ 100 triệu USD trở lên.
Theo thống kê, trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phần hiện nay, chăm sóc y tế, công nghệ và bán lẻ là những lĩnh vực có tỷ lệ vốn ngoại cao, nhưng cao nhất chỉ dừng lại ở mức 35,2% ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng rõ ràng, tỷ lệ đầu tư của khối ngoại vào doanh nghiệp còn rất thấp.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là hạn chế sở hữu nước ngoài chưa được triển khai tại doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, khảo sát của HOSE và Stoxplus cũng cho thấy, đa số vốn ngoại “chê” thị trường chứng khoán Việt Nam vì chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, trong khi những doanh nghiệp đủ lớn thì Nhà nước vẫn sở hữu đa số cổ phần.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Stoxplus nhận xét, nới room chưa hẳn là giải pháp hấp dẫn vốn ngoại, nếu doanh nghiệp đó chỉ có quy mô nhỏ với tiềm năng tăng trưởng bình thường. Dòng vốn ngoại vốn thông minh, nên để hấp dẫn vốn chảy vào Việt Nam, việc cần nhất là đưa các doanh nghiệp có quy mô lớn, nền tảng kinh doanh tốt, có thương hiệu như Sabeco hay Habeco, Mobifone lên sàn và Nhà nước bán bớt vốn. Đó mới là bước tiến lớn về quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường.
Một điểm hạn chế nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam là sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết còn rất lớn. Thống kê cho thấy, trên HOSE, sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết tính bình quân là 32%, còn trên HNX lên tới trên 40%. Nếu không thoái vốn Nhà nước, sẽ không thể tăng tính lỏng cho cổ phiếu niêm yết và càng không thể thu hút các dòng vốn chuyên nghiệp vào những doanh nghiệp mà sở hữu Nhà nước đủ lớn đến mức có tiếng nói quyết tất, át hết vai trò của cổ đông bên ngoài.
Một trong các sản phẩm đã được bàn luận khá nhiều thời gian trước đây là cổ phiếu không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depository Receipts). Theo ông Thuân, đây chính là sản phẩm được thị trường mong đợi, bởi nó vừa giải quyết được nhu cầu đầu tư của các quỹ bị động, hay quỹ đầu tư chỉ số (tracking index funds). Loại hình đầu tư này không có can thiệp và không muốn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như các quỹ đầu tư hiện nay. Họ chủ yếu quan tâm đến việc cổ phiếu của doanh nghiệp đó có đạt tiêu chuẩn đầu tư không và đầu tư để hưởng cổ tức, hưởng lợi ích tăng giá, chứ không tham gia vào điều hành hay quản trị doanh nghiệp. Nới room bằng cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ giúp doanh nghiệp Việt thu hút được vốn ngoại, nhưng vẫn giữ được thương hiệu, quyền quyết trong tay mình.
Khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được thực thi có nhiều điểm vướng, nhà đầu tư chờ đợi nhà quản lý sẽ sớm xây dựng thêm sản phẩm mới, hữu dụng và đúng nhu cầu thị trường.
Hose nỗ lực tạo sự công bằng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước
Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), trong nỗ lực nâng hạng thị trường, HOSE cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc trực tiếp với MSCI về các tiêu chí cần có để tiến tới việc nâng hạng. Theo đó, bên cạnh việc thúc nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng niêm yết, HOSE sẽ ra mắt nhiều sản phẩm, chỉ số mới, để đa dạng hóa công cụ đầu tư.
Để tạo sự công bằng giữ nhà đầu tư trong và ngoài nước, trước mắt HOSE đã đề ra lộ trình cho các doanh nghiệp trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, cũng như lộ trình để các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo chuẩn mực của IFRS. Nên cạnh đó, HOSE đã và sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động công bố thông tin, tổ chức Cuộc bình chọn báo cáo thường niên hàng năm để đẩy mạnh ý thức minh bạch trên toàn thị trường. Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động đẩy mạnh công tác IR trong doanh nghiệp.