Sau thành công của Hội nghị đầu tư năm 2016, tuần qua, Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2016, Hà Nội đã giới thiệu với các nhà đầu tư 52 dự án hợp tác công tư (PPP) và 43 dự án xã hội hóa, với tổng mức đầu tư dự kiến là 710.950 tỷ đồng.
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 296.000 tỷ đồng, gấp 4,43 lần so với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố trong 2 năm 2016-2017 và gấp hơn 2 lần giai đoạn 2016-2020.
Năm nay, Hà Nội giới thiệu danh mục các dự án Thành phố mong muốn thu hút đầu tư với 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802.700 tỷ đồng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, môi trường, hạ tầng giáo dục. Ngoài ra, còn có 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303.850 tỷ đồng trong các lĩnh vực công viên, cây xanh; môi trường; y tế; giáo dục; khu công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề; trung tâm thương mại; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Trước lời mời gọi đầu tư của Thủ đô, một số ý kiến từ các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, nguồn vốn mà Hà Nội cần không phải là “nút thắt”. Vấn đề là Hà Nội phải tạo được sân chơi thu hút được các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý Hà Nội những sức ép đến từ cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sức ép đô thị hóa nhanh, cộng với sự gia tăng dân số cơ học, dẫn tới sự quá tải về hạ tầng kinh tế và xã hội, nhất là hệ thống giao thông, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tăng uy tín cạnh tranh, Hà Nội cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền hiệu quả, thân thiện với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội cần tiếp túc rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, hướng tới công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất, kiên quyết thu hồi số đất giao nhưng không sử dụng đúng quy định.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, Hà Nội cần tập trung vào xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện Việt Nam đã đầu tư để hiện đại hóa thủ tục hành chính, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến như quản lý tài chính, hải quan, thuế... Công nghệ số giúp chuyển đổi cách thức mà dịch vụ công tương tác với người dân, tăng cường tính minh bạch và giảm chi phí đáng kể nhờ nền tảng số. Qua đó, doanh nghiệp sẽ giảm bớt các chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Ông Ousmane Dione nhấn mạnh, đầu tư Chính phủ điện tử không phải là giải pháp giải quyết tất cả các vấn đề, công nghệ chỉ là một yếu tố thúc đẩy, giúp quá trình chuyển đổi hành chính tốt hơn, cho kết quả tốt hơn. Mấu chốt vẫn nằm ở cơ chế tổ thức, trình độ của nguồn nhân lực công. Trong một thế chế yếu kém, thì công nghệ số vẫn không thể tạo nên hiệu quả mong muốn.
Được biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%...
Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành của Thành phố để giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng. Tổ công tác liên ngành hoạt động sẽ giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục các dự án đầu tư đến 43%.
Với những nỗ lực tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, Hà Nội hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án trọng điểm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tương xứng với vị thế thủ đô.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com