Thử đo lượng tiền cho hoạt động margin!

Thử đo lượng tiền cho hoạt động margin!

(ĐTCK) Diễn biến thị trường không thuận lợi, cùng với những thỏa thuận chặt hơn khiến hoạt động margin của các CTCK hiện không mấy sôi động.

Thiếu đi những thỏa thuận khá “thông thoáng” trong các hợp đồng margin “nhái” trước đây (hợp đồng hợp tác đầu tư), cộng với diễn biến của thị trường không thuận lợi, hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) tại nhiều CTCK hiện tại đang kém phần sôi động.

Cung cao hơn cầu

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang, Phó giám đốc CTCK TP. HCM (HSC cho biết, tính đến thời điểm hiện tại (9/8/2012), 850 tỷ đồng là số dư của HSC dành cho nghiệp vụ margin.

“Ngân sách dành cho nghiệp vụ margin tại Công ty vẫn còn nhiều, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, do thị trường vẫn lình xình theo hướng đi ngang, nhà đầu tư chưa thực sự hồ hởi với nghiệp vụ này nên nhu cầu chưa cao, hoạt động margin tại HSC chưa sôi nổi”, ông Giang nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, trước đây, một số CTCK dưới sự hỗ trợ tài chính của các ngân hàng mẹ hoặc các đối tác có tiềm lực tài chính đã quá “mạnh tay” với hoạt động cho vay chứng khoán và phải trả giá đắt khi thị trường tụt dốc. Tuy nhiên, khi quy chế chính thức về hoạt động margin được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành thì cả khách hàng lẫn các CTCK lại tỏ ra dè dặt hơn vì thấy thiếu hấp dẫn. Theo ông Dũng, các CTCK hiện vẫn còn nhiều “dư địa” hỗ trợ khách hàng trong nghiệp vụ margin, song cầu vẫn đang thấp hơn cung. Tại TVSI, số dư trong hoạt động margin tính đến thời điểm tháng 8/2012 là khoảng 150 tỷ đồng, trong khi nguồn tiền của Công ty dành cho nghiệp vụ này cao hơn nhiều.

Thử đo lượng tiền cho hoạt động margin! ảnh 1

Nhiều NĐT cho rằng, lãi suất margin hiện vẫn khá cao so với mặt bằng lãi suất

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect (VND), quy trình nghiệp vụ margin tại VND hiện rất chặt chẽ, Công ty chọn mã và cấp hạn mức theo đúng quy định, chứ không có chuyện cấp hạn mức khống. Lãnh đạo VND cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số dư dành cho hoạt động margin tại Công ty là 300 tỷ đồng, thấp hơn 150 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6/2012. Hiện nay, VND quản trị rủi ro cho nghiệp vụ margin chủ yếu dựa trên quy trình chọn cho vay các mã chứng khoán trong danh mục và cấp hạn mức cụ thể cho khách hàng.

Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều CTCK cũng đưa ra số dư cụ thể trong hoạt động margin, song con số này luôn thay đổi theo từng ngày. Một số CTCK như CTCK Phương Nam , CTCK Đông Á… cũng cho biết, hiện ngân sách dành cho hoạt động margin vẫn còn tương đối lớn.

Trước đây, một số CTCK đã “vượt rào” cho triển khai các hợp đồng hợp tác đầu tư (bản chất là margin) với mục tiêu mở rộng thị phần và lôi kéo nhà đầu tư, với việc cho khách hàng sử dụng “đòn bẩy tài chính” ở mức cao. Thực tế, hoạt động này đã khiến nhiều CTCK trở nên điêu đứng vì theo quy định pháp luật, họ khó có thể đủ căn cứ pháp lý để kiện cáo khi khách hàng không trả được khoản vay dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư. Chính vì vậy, hiện các CTCK đang cố gắng tất toán các hợp đồng hợp tác đầu tư để chuyển sang hợp đồng theo khung quy định của UBCK.

 

Cạnh tranh bằng cách giảm lãi suất

Giám đốc một CTCK cho biết, dịch vụ tài chính hỗ trợ cho nhà đầu tư trước đây vốn do các ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, sau này khi thấy dịch vụ trên mang lại lợi nhuận khá lớn nên các CTCK đã “giành” lấy để làm, tạo ra sự cạnh tranh khá lớn trên thị trường. Dễ hiểu tại sao khi một CTCK công bố hạ lãi suất margin thì đồng loạt các CTCK khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất với các khoản vay này. Do cầu thấp hơn cung nên mức lãi suất margin phổ biến ở mức 19%/năm trước đó, hiện đã giảm còn 17,5 - 18%/năm. 

Cụ thể, ngày 1/8, CTCK Bảo Việt (BVSC) thông báo giảm lãi suất giao dịch ký quỹ (margin trading) từ mức 18,5%/năm về 17,5%/năm, theo đó lãi suất dịch vụ ứng trước tiền bán cũng được giảm từ 18% về 17%/năm.

TVSI cũng vừa giảm lãi suất 1,8%/năm đối với các dịch vụ hỗ trợ tài chính đang sử dụng tại Công ty, từ mức 19,8%/năm hiện tại  giảm xuống mức 18%/năm. CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng giảm lãi suất giao dịch ký quỹ  xuống còn 18%/năm...

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Anh N.V.Hưng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, mặc dù CTCK đã công bố giảm, song những mức lãi suất trên vẫn khá cao nếu so sánh tương quan với cơ hội kiếm lời ngày càng khó khăn trên thị trường. Theo nhà đầu tư này thì lãi suất margin trong thời gian tới nên tiếp tục điều chỉnh giảm như lãi suất tín dụng, thì mới thu hút được nhà đầu tư.

Xét trong bối cạnh thị trường èo uột như hiện tại, hoạt động margin tại nhiều CTCK vẫn khá buồn tẻ. Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, nhu cầu vay margin của nhà đầu tư sẽ tăng trở lại và tất yếu sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp. Chính vì vậy, một hướng dẫn liên quan đến trích lập dự phòng nợ xấu của CTCK phát sinh từ hoạt động cho vay margin là điều đang được thị trường chờ đợi.