Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Thông tư số 01/2020/TT-NHNN hỗ trợ doanh nghiệp không phải là “bất biến”

(ĐTCK) Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại TP.HCM ngày 29/5, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN được NHNN ban hành từ 13/3 trên cơ sở những khó khăn tại thời điểm đó. Tuy nhiên, qua các hội nghị xúc tiến cơ quan quản lý đã lắng nghe được rất nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

“Thông tư 01 đã vào cuộc rất sớm và chúng tôi thấy rằng có những khó khăn đối với doanh nghiệp nên Thông tư sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung. Thông tư 01 không phải là bất biến. Những cơ chế chính sách, đặc biệt vấn đề thời hạn giãn hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn cho doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới là một trong những nội dung thông suốt và sẽ được nghiên cứu xem xét để xử lý tích cực hơn, thực hiện thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp, ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo hành lang pháp lý, không để nợ xấu tái diễn cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Tú nói.

Được biết, NHNN vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, trong đó có những thay đổi chính như điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở NHNN đánh giá rằng thời điểm 24/4/2020 là phù hợp, bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 trong tình hình mới.

Đồng thời, đến thời điểm này, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã nắm bắt được đầy đủ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế và cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó dịch.

Theo đó, đối với các khoản giải ngân sau ngày 24/4/2020, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có thể đánh giá được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01. 

Đối với phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020: Mốc thời gian 31/12/2020 được xác định theo đánh giá thận trọng của NHNN, căn cứ trên kịch bản 02 về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam (trong điều kiện Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quý IV/2020).

Hay như việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 6 là để phân biệt nguyên tắc giữ nguyên nhóm nợ trong 2 trường hợp; (1) Đối với số dư nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020; và (2) Số dư nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 25/4/2020.

Đồng thời, việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với số dư nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến ngày 25/4/2020 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giãm lãi theo quy định tại Thông tư là phù hợp với thực tế vì đây là các khoản mới phát sinh và nếu Thông tư 01 cho phép cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản này thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện khi số dư nợ này đang được phân loại ở nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

“Các Hiệp hội, các doanh nghiệp đề xuất rất nhiều ở các góc độ khác nhau. Tất nhiên là không có một chính sách nào quy định tỉ mỉ cho từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực. Tuy nhiên, trong khuôn khổ pháp lý chung, chúng tôi cho rằng chỉ phù hợp với doanh nghiệp. Điều tôi thấy tâm đắc cho rằng rất cần được quan tâm ở đây chính là những doanh nghiệp mà chỉ cần hỗ trợ một chút là có thể khắc phục, vượt qua được khó khăn hiện nay”, Phó Thống đốc nói.

Tin bài liên quan