Một khi dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, áp lực lên hệ thống ngân hàng còn lớn. Ảnh: Dũng Minh

Một khi dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, áp lực lên hệ thống ngân hàng còn lớn. Ảnh: Dũng Minh

Thông tư 03/2021 ở mức độ chấp nhận được

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, nội dung trong Thông tư 03/2021 vừa ban hành đã cơ bản tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong các hoạt động cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi… ở mức phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Là người đứng đầu Hiệp hội, đại diện cho các hội viên, ông có nhận định gì?

Thông tư 03/2021 mới ban hành có độ trễ do cần sự thống nhất của Bộ Tài chính liên quan đến việc xem xét, rà soát, đánh giá về lộ trình trích lập dự phòng rủi ro, nhưng về cơ bản vẫn kịp thời hỗ trợ cho ngân hàng và doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung Thông tư 03/2021, trên thực tế, các tổ chức tín dụng và Hiệp hội đã tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Thông tư 01/2020 nhằm đề xuất với Ngân hàng Nhà nước ban hành những chính sách sửa đổi phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu, tránh việc phải điều chỉnh nhiều lần, ví dụ như việc ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi được kéo dài đến ngày 31/12/202.

Sau khi tham khảo các ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu và điều chỉnh một số nội dung như tại Thông tư 03/2021 vừa ban hành. Về nguyên tắc, việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các tổ chức tín dụng là bắt buộc, cho nên việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình trích lập trong 3 năm với tỷ lệ tăng dần (30%, 60%, 100%) là phù hợp với thực tiễn và các tổ chức tín dụng có thể thực hiện được.

Thực tế cho thấy, dù Việt Nam đã và đang chống dịch rất tốt, nhưng dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn hết sức khó khăn. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang lúng túng trong việc xử lý các khoản vay của khách hàng như thế nào và chờ đợi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư mới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Ở góc độ Hiệp hội, chúng tôi nhận thấy rằng, nội dung trong Thông tư 03 ở mức độ chấp nhận được, bởi cơ bản giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong cơ cấu lại nợ cho khách hàng; tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong các hoạt động cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp…

Trong cuộc trao đổi, các ngân hàng khá băn khoăn với quy định tại Điều 4 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cụ thể, tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ 8 điều kiện, trong đó điều kiện đầu tiên là phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính…

Tôi cho rằng, mốc thời gian này là phù hợp, bởi thời điểm phát sinh dịch bệnh vào đầu năm 2020 cho đến tháng 4/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội, đây là lần đầu tiên nước ta có một diễn biến như vậy nên mọi việc là bất ngờ và không tránh khỏi bị động.

Đến đợt bùng phát dịch lần thứ 2 ở Đà Nẵng và mới nhất là trong dịp Tết Tân Sửu 2021 tại Hải Dương và Quảng Ninh, cách ứng phó đã khác khi không giãn cách toàn xã hội, nên tác động không như trước. Tuy nhiên, với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh cũng ít ngân hàng dám cho vay và nếu có thì cũng nên được tính do tác động của dịch bệnh.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm là, các ngân hàng cần chủ động trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt hoàn toàn. Các ngân hàng cũng cần xác định khi cho vay mới phải hết sức thận trọng, rà soát và tìm kiếm những khách hàng đảm bảo ít bị ảnh hưởng bởi dịch. Thậm chí, ngay cả khi đã có vắc-xin và được sử dụng rộng rãi, chúng ta cũng không thể chủ quan, nên để đảm bảo an toàn, các ngân hàng phải nâng cao trách nhiệm khi quyết định cho vay và cho vay theo cơ chế thị trường để đánh giá hiệu quả của dự án, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, chứ không nên lệ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

“Chốt chặn” thời điểm 10/6/2020, theo cá nhân tôi, cũng nhằm tránh việc các tổ chức tín dụng lợi dụng chính sách, bởi đây là điều rất nguy hiểm.

Như đã đề cập ở trên, Hiệp hội sau khi tổng hợp các ý kiến hội viên đã đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước đối với việc điều chỉnh Thông tư 01 và cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã cầu thị, tiếp thu những gì có thể chấp nhận được. Liệu có điều gì ông còn băn khoăn xung quanh thông tư mới ban hành?

Thông tư 03/2021 sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh, nhưng đến 31/12/2021, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cho vay mới rồi vẫn không thu hồi được nợ, liệu các hội viên sẽ như thế nào là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

Thực tế, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực hết sức, vào cuộc rất sớm theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 để hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện. Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn chống dịch khó khăn.

Về cơ bản, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, kể cả việc tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới, bên cạnh phải loại dự thu đối với khoản nợ đã cơ cấu cho khách hàng.

Việc cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 sẽ không chuyển nhóm nợ tương ứng đối với khách hàng và được xem xét cho vay mới nếu dự án có tính khả thi và đáp ứng được điều kiện của các tổ chức tín dụng. Song, về bản chất, khoản nợ đó là nợ dưới chuẩn và phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình 3 năm. Do vậy, khi cho vay mới, nếu xảy ra rủi ro thì sẽ quy trách nhiệm về thiếu tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ như thế nào là điều cần bàn tới.

Hơn nữa, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, tôi cho rằng, các tổ chức tín dụng sẽ không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khi đó áp lực của ngân hàng là rất lớn.

Do vậy, để giải quyết dứt điểm các khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng Nhà nước cần có thêm những văn bản hướng dẫn vượt cả Thông tư 03 và Thông tư 01, hoặc đề nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ bằng cách khác.

Về phía Chính phủ, cũng nên tính toán tới một nghị định mới tương tự như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi lẽ, dịch bệnh Covid-19 cũng là đại dịch, nên cần phải có Nghị định của Chính phủ về khoanh nợ, với thời hạn khoanh nợ tối đa là 2 năm, từ đó cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch được khoanh nợ và ngân sách nhà nước sẽ phải hỗ trợ một phần. Nếu được như vậy thì sẽ giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng và đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng dịch.

Tin bài liên quan