Tháng 7 vừa qua, F88 công bố đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 108,3 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu kỳ hạn 12 tháng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán bởi CTCP Đầu tư F88. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức bút toán điện tử. Lãi suất là 12,5%/năm.
Kể từ đầu năm đến nay, F88 đã có 3 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 200 tỷ đồng.
Việc huy động vốn không có tài sản đảm bảo của F88 khiến không ít thành viên thị trường tò mò về hoạt động của công ty này. Đặc biệt là khi các thông tin tài chính của Công ty trên thị trường rất ít ỏi.
Theo thông tin trên website doanh nghiệp, F88 ra đời vào năm 2013, với mong muốn “thay đổi định kiến của xã hội đối với ngành nghề cầm đồ truyền thống đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam”. Công ty xây dựng mô hình cầm đồ toàn quốc chuyên nghiệp.
Công ty được rót vốn bởi 2 quỹ đầu tư là Mekong Capital và Granite Oak (một quỹ đến từ châu Âu). Được biết, năm 2019, vốn chủ sở hữu của F88 là 251,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 16,6 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 6,6%.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện F88 cho biết, tính đến cuối tháng 6/2020, Công ty có 195 phòng giao dịch (47 ở Hà Nội, 76 ở TP.HCM, 72 phòng giao dịch còn lại ở các tỉnh, thành phố khác). Dư nợ cho vay của Công ty tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu và các nguồn thu tăng 149%. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vốn cổ phần thêm 137,5 tỷ đồng và huy động vốn từ phát hành trái phiếu 165 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng cho việc phát triển kinh doanh và giải ngân cho khách hàng vay.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, cũng như thu nhập của người dân từ đầu năm đến nay, các công ty tài chính và ngân hàng được dự báo sẽ gia tăng nợ xấu.
Trong bối cảnh đó, điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là F88 xoay xở thế nào để sử dụng vốn đạt hiệu quả?
Với câu hỏi này, đại diện F88 cho biết, Công ty đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, từ sự phối hợp giữa các bộ phận trong Công ty đến áp dụng linh hoạt các cách thức, quy trình cho vay và thu hồi nợ.
Về tỷ lệ nợ xấu, đại diện F88 thông tin, tính đến cuối tháng 6/2020 vẫn ở mức dưới 1%. Nợ xấu thấp vì bản chất mô hình kinh doanh của F88 là 100% các khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo nên ý thức trả nợ của khách hàng cao hơn. Hơn nữa, các khoản cho vay nhỏ, không có rủi ro tập trung.
Tỷ lệ nợ xấu của F88 gây bất ngờ, vì tại một số công ty tài chính lớn, hoạt động hiệu quả như FE Credit, nợ xấu tính đến cuối năm 2019 là 5,35%.
Cùng thời điểm, nợ xấu của Mcredit là 7%. Đáng nói nữa là, các sản phẩm F88 đang triển khai gồm vay thế chấp tài sản như xe máy, ô tô, đăng ký xe máy, đăng ký xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức, đồng hồ… với 2 loại hình dịch vụ cầm đồ là có giữ tài sản và không giữ tài sản.
Các khoản vay từ 12-18 tháng chịu lãi suất trong hạn tối đa 13,2%/năm. Tuy nhiên, ngoài lãi suất, khách hàng còn chịu chi phí về thẩm định, quản lý tài sản, phí lưu trữ kho bãi (nếu có). Liệu điều này có ảnh hưởng tới khả năng thu hồi nợ của Công ty?
Đại diện F88 chỉ nói vắn tắt, đối với hoạt động thu hồi nợ, Công ty có bộ phận thu hồi nợ riêng, được tổ chức khoa học và hiệu quả, F88 không dùng dịch vụ thu hồi nợ từ bên thứ ba.