Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương chiều nay (30/12), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 79 tỷ USD, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 48 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
Riêng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chủ động điều tiết trung hòa đảm bảo không gây tác động lên lạm phát. Cụ thể lạm phát kiểm soát rất thấp; trong đó lạm phát cơ bản chỉ trong biến động chỉ từ 1,4% đến dưới 2%. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để giữ nền tảng chung cho cả nền kinh tế vĩ mô, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, kết quả này cho thấy điều hành tỷ giá, các chính sách ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất trúng và đúng, qua đó đã huy động được nguồn lực ngoại tệ lớn. Dữ trự ngoại hối không chỉ đến từ đầu tư trực tiếp tiếp, gián tiếp nước ngoài, kiều hối mà đến từ sự chuyển dịch lớn các khoản ngoại tệ của các tổ chức và người dân nắm giữ trong nước. Nhờ đó, đã giúp khơi thông nguồn lực ngoại tệ, để có nguồn dự trữ ngoại hối đối phó với các cú sốc từ bên ngoài. Điều này cũng cho thấy việc giảm lý tâm lý găm giữ ngoại tệ, củng cố lòng tin vào năng lực điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương cũng như niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.
Về điều hành tỷ giá ngoại tệ, năm 2019, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong xử lý những khúc mắc với các đối tác thương mại lớn. Từ đó, khẳng định với các đối tác việc điều hành tiền tệ và tỷ giá theo diễn biến thị trường và không dùng tỷ giá để cạnh tranh thương mại, không gây bất bình đẳng với các đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại.
Đối với điều hành tín dụng, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung kiểm soát cả về chất và lượng trong cơ cấu tín dụng. Theo đó, dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 tăng khoảng 13,5 -13,7%. Toàn hệ thống ngân hàng đã cung ứng ra nền nền kinh tế 8,1 triệu tỷ đồng tín dụng; trong đó tập trung cho lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp có tổng tín dụng trên 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 20% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm xấy xỉ 15% tổng dư nợ. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, chiếm25% tổng dư nợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ.
Trong năm 2019, cũng ghi nhận sự thành công trong điều hành lãi suất. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong điều kiện nhu cầu vốn cho nền kinh tế cao, cộng với các tổ chức tín dụng đang trong quá trình xử lý nợ xấu, rồi các yếu tố bất lợi từ thị trường trong nước, quốc tế đã gây áp lực rất lớn đến các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, NHNN đã chủ động điều tiết thị trường, thanh khoản, điều chỉnh các mặt bằng lãi suất, lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay.
Trên thực tế trong năm các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất 2 lần, đến nay lãi suất trần cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%/năm, qua đó hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Về cơ cấu lại tổ chức tín dụng cũng có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo theo đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.