Vấn đề quan trọng nhất với thị trường chứng khoán vẫn nằm ở chính sách lãi suất.

Vấn đề quan trọng nhất với thị trường chứng khoán vẫn nằm ở chính sách lãi suất.

Thời tiền rẻ sắp qua?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù lạm phát cao quay lại thì thời kỳ tiền rẻ có qua hay không nằm chính trong tay Ngân hàng Nhà nước.

Lạm phát đột ngột tăng trở lại

Lạm phát tháng 1/2021 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng với tốc độ cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Lạm phát tháng 2/2021 ở Việt Nam là mức tăng cao nhất trong tháng 2 của 8 năm qua.

Dù có những tranh luận rằng đây chỉ là tín hiệu nhất thời và mức tăng giá những tháng sau nhiều khả năng sẽ thấp hơn, nhưng hầu hết các ý kiến đều không dự đoán một mức tăng giá âm của những tháng sau. Tăng giá chậm hơn nghĩa là tiếp tục tăng giá. Lạm phát không còn ở xu thế giảm liên tục của năm 2020 nữa, đó mới là mấu chốt.

Khi lạm phát liên tục giảm, ngân hàng trung ương các nước có thể thoải mái hạ lãi suất, thậm chí giữ lãi suất ở mức âm mà không có nhiều lo ngại. Nay khi lạm phát không còn giảm, người ta bắt đầu hiểu rằng thời kỳ “tiền rẻ biết làm gì” đã đi đến cuối con đường. Lãi suất sẽ không tăng ngay lại, nhưng nó đã chạm đáy.

Một trong những tín hiệu đầu tiên là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh trong tuần lễ giao dịch cuối tháng 2. Lợi suất trái phiếu 10 năm có lúc vượt 1,6%/năm. Đây là mức lợi suất người ta dự đoán sẽ diễn ra vào cuối năm 2021, không phải ở tháng 2/2021, vì vậy, nhiều chuyên gia quản lý quỹ đã bất ngờ.

Có nhà bình luận thị trường hài hước chỉ ra rằng, một chuyên gia quản lý quỹ một mặt lên truyền thông nói là lợi suất tăng quá mức, trái phiếu bị bán quá nhiều, nhưng chính quỹ của ông ta lại đang bán trái phiếu.

Khi lạm phát không còn giảm, người ta bắt đầu hiểu rằng thời kỳ “tiền rẻ biết làm gì” đã đi đến cuối con đường. Lãi suất sẽ không tăng ngay lại, nhưng nó đã chạm đáy.

Tín hiệu thứ hai là lãi suất cho vay mua nhà kỳ hạn 30 năm của Mỹ đã tăng lên mức gần 3%/năm vào cuối tháng 2, chấm dứt chuỗi giảm lãi suất liên tục. Todd Johnson, quản lý của mảng kinh doanh cho vay để mua nhà thuộc Ngân hàng Wells Fargo cho biết: “Thị trường đang nhìn về tương lai 2 hoặc 3 năm tới và nghĩ rằng lãi suất sẽ tăng”.

Kỳ vọng lạm phát tăng và do đó, lãi suất sẽ tăng là bình thường sau khi vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai ở nhiều nước và khả năng trở lại gần bình thường của mùa hè 2021 đang được kỳ vọng rất cao. Thủ tướng Anh Boris Johnson hồ hởi gọi con đường trở lại bình thường này là “con đường một chiều để tiến tới tự do” (one-way road to freedom)!

Rõ ràng, ông đang nghĩ rằng mở cửa và trở lại bình thường là đương nhiên sau khi thông báo khoảng 18 triệu người Anh đã được chích vắc-xin vào tuần trước nữa. Con số này vào cuối tháng 2 đã vượt qua 20 triệu người.

Báo cáo di chuyển cộng đồng của Google cho thấy, mặc dù nhiều hoạt động vẫn giảm 55 - 60% so với trước dịch (chẳng hạn di chuyển đến nơi làm việc và khu vui chơi, giải trí) nhưng xu thế sụt giảm đang chậm lại và tạo đáy. Một số hoạt động đi lại xung quanh khu dân cư và công viên đã tăng trở lại ở mức 7% và 18%. Hoạt động mua sắm tại siêu thị cũng chỉ còn thấp hơn trạng thái thông thường 15%.

Xu thế nền kinh tế tạo đáy và đi lên ở Anh, Mỹ đang hình thành ở khắp các dữ liệu có độ trễ cao như số liệu tăng trưởng, thất nghiệp, hay là dữ liệu có độ trễ thấp như di chuyển cộng đồng của Google. Vì vậy, không khó hiểu khi kỳ vọng về lạm phát trong nền kinh tế cũng bắt đầu tăng lên.

Quan trọng hơn, nhiều chính sách hỗ trợ để duy trì “tiền rẻ” cũng bắt đầu đi đến thời điểm hết hạn.

Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ loại trừ một số tài sản, trong đó có trái phiếu ra khỏi diện cần trích lập tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm (SLR) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đến thời điểm đáo hạn trong tháng 3 này.

Nhờ vào chính sách này, trước đây, các ngân hàng thương mại có thể yên tâm nắm giữ trái phiếu chính phủ, thậm chí mua thêm vào, góp phần ổn định thanh khoản cho thị trường trái phiếu và tiền tệ nói chung.

Nay chính sách này sắp hết hạn, họ đang dần phải bán ra vì sợ nó sẽ không được gia hạn nữa, là một phần nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng.

Tương tự là với thị trường nhà của Mỹ. Khi những chính sách hỗ trợ thu nhập của người bị giãn việc, những khoản trợ cấp thất nghiệp gần kết thúc và gói chi tiêu kích thích kinh tế mới vừa thông qua ở Hạ viện có quy mô hỗ trợ thấp hơn trước đây thì rủi ro những người này không thể trả nổi được tiền thuê nhà tăng lên.

Điều đó khiến rủi ro trên thị trường trái phiếu do các công ty cho vay mua nhà phát hành cũng tăng lên, thế là phần bù rủi ro mà nhà đầu tư đòi hỏi cũng tăng lên, đẩy lợi suất trái phiếu tăng.

Do đó, dù một số chuyên gia kinh tế có lẽ đã nói đúng rằng đợt tăng lợi suất cuối tháng 2 cũng như con số lạm phát đột biến của khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ là yếu tố thời vụ do ảnh hưởng của nhu cầu trồi sụt bất thường trong đại dịch, nhưng có một điều họ không phủ nhận, đó là xu thế tăng lạm phát và lợi suất đã hình thành, chỉ là tạm thời tăng hơi nhanh thôi và sẽ có điều chỉnh lại.

Cho đến cuối năm, họ vẫn kỳ vọng lạm phát ở Mỹ sẽ vượt 2% và lợi suất trái phiếu sẽ trên 1,6%/năm. Nghĩa là, lạm phát và lãi suất đã bắt đầu xu thế tăng, sớm hay muộn cũng sẽ đi lên mà thôi. Tuy nhiên, tốc độ tăng sẽ có vai trò rất quan trọng với thị trường tài chính.

Nếu lãi suất được điều chỉnh với một lộ trình phù hợp, dù giảm hay tăng, theo điều kiện sức khỏe của nền kinh tế và không gây bất ngờ, thì giá các tài sản tài chính nào còn ở mức hợp lý vẫn có thể đi lên.

Xét về những tỷ số này, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều công ty có mặt bằng giá hợp lý. Nhưng nếu lãi suất tăng quá nhanh thì tình trạng bán tháo sẽ không chừa một ai. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là ở chính sách lãi suất, không chỉ ở vấn đề tăng hay giảm lãi suất, mà còn ở vấn đề tốc độ tăng hay giảm.

Đánh đổi giữa lạm phát và hỗ trợ thị trường

Trong sách giáo khoa, cứ lãi suất tăng thì áp dụng vào các phương trình định giá sẽ dễ thấy là giá trị cổ phiếu phải giảm. Nhưng thực tế thì xu thế này phức tạp hơn nhiều, vì giá nhiều cổ phiếu đã ở xa giá trị của nó.

Nghĩa là các phương trình đó không mấy áp dụng vào thị trường có nhiều nhà đầu tư chưa từng biết tới nó và mua bán chỉ nhờ vào trực giác hay sự hướng dẫn của những mạng xã hội như Reddit.

Tất nhiên, nhiều quỹ đầu tư vẫn sử dụng những định giá đó, nhưng họ cũng đủ khôn ngoan để nhận thức rằng mọi việc phụ thuộc rất lớn vào độ hào hứng của lớp nhà đầu tư mới và quan trọng nhất là ngân hàng trung ương.

Nếu ngân hàng trung ương còn tiếp tục nỗ lực hỗ trợ thị trường về thanh khoản và chấp nhận một mức lạm phát cao hơn, giá tài sản có thể tiếp tục đi lên vì đà tăng lãi suất sẽ bị “kềm” lại, tạo điều kiện cho giá cổ phiếu còn đi lên được nữa.

Vấn đề là các ngân hàng trung ương sẽ chấp nhận đánh đổi giữa lạm phát và hỗ trợ kinh tế đến mức nào?

Trong tuần cuối tháng 2, Chủ tịch Fed cho biết, ông sẵn sàng chấp nhận lạm phát vượt qua mức lạm phát mục tiêu 2% một chút, để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Ngân hàng Trung ương Đức lo ngại lạm phát nước này sẽ vượt 3% và muốn sớm tăng lãi suất.

Thế nhưng, quyết định lãi suất của đồng euro lại do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định và ngân hàng này đang muốn tiếp tục duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ các nền kinh tế còn yếu như Tây Ban Nha và Ý.

Sự mâu thuẫn ngay trong nội bộ các nước sử dụng đồng euro cho thấy quyết định đánh đổi giữa lạm phát mục tiêu và lãi suất là không đơn giản, bởi tùy thuộc điều kiện mỗi nước.

Trong điều kiện của Việt Nam, câu hỏi lớn nhất là liệu mức lạm phát tăng trong tháng 2 có tiếp tục xu hướng qua các tháng sau hay cũng như ở châu Âu, có thể là một đợt vọt lên bất thường do các yếu tố trồi sụt của dịch bệnh gây ra.

Nếu tháng 3 hay tháng 4, lạm phát tăng chậm thì mục tiêu lạm phát 4% của cả năm vẫn không sao cả. Còn nếu lạm phát tiếp tục tăng nhanh thì sao? Liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ chọn quan điểm điều hành như thế nào? Đâu là những nhân tố ảnh hưởng quyết định tới lãi suất, ngoài yếu tố lạm phát.

Nói cách nào đó, dù là lạm phát quay lại thì thời kỳ tiền rẻ có qua hay không nằm chính trong tay Ngân hàng Nhà nước. Rủi ro của mỗi lựa chọn ở đâu thì Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng lựa chọn không bao giờ là dễ dàng ở những lúc như thế này.

Tin bài liên quan