Xuất khẩu nông sản Việt và những “bom tấn” 10 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản Việt và những “bom tấn” 10 tỷ USD

Nhờ thị trường rộng mở, tư duy thay đổi, ngày càng nhiều nông sản Việt trở thành “bom tấn” xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2019, lần đầu tiên, ngành nông nghiệp có 2 mặt hàng đặt mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Tới tấp tin vui đầu năm

Những ngày này, Nafood Group đang cấp tập chuẩn bị lên kế hoạch cho năm 2019. Thị trường mới nhất mà công ty này vừa khai phá là Nga với các mặt hàng chủ lực là chanh dây, điều, trái cây đông lạnh... Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Nafood cho hay, Nafood kỳ vọng có thể đẩy mạnh hơn nữa doanh số xuất khẩu năm 2019.

Với Tập đoàn Tân Long,  - doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản - năm 2018 cũng là năm rất thành công. Ông Nguyễn Chánh Trung, Tập đoàn Tân Long cho biết, năm 2018, sản lượng xuất khẩu của Công ty tăng gấp đôi so với năm 2017. 

Năm 2018 là một năm xuất khẩu đại thắng với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành gạo, cá tra, đồ gỗ, lâm sản, rau quả... Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trừ một số loại cây công nghiệp, năm qua, hầu hết các  loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá có lợi cho nông dân. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017.

Trong năm vừa qua, 10 mặt hàng vẫn giữ phong độ trong “câu lạc bộ trên 1 tỷ USD”; 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là tôm, rau quả, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ. 

Điều đáng mừng nhất trong năm qua là thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng. Nhiều nông sản Việt trước đây “áo gấm đi đêm”, phải xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, thì nay đã được xuất khẩu chính ngạch. Những ngày cuối năm 2018, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa chính ngạch thêm 7 loại trái cây Việt Nam (sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt) và đồng ý cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho cá ngừ, cá rô phi Việt. 

Với kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, năm 2018, Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản (đã xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới), khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản. Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD. Bộ NN&PTNT khẳng định, sẽ tích cực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu, triển khai hiệu quả cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do... để đạt mục tiêu này.

Thay đổi tư duy xuất khẩu 

Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực, một chợ lớn xuyên biên giới đang mở ra cho nông sản Việt. “Nông nghiệp của ta đang có những tiến bộ rất lớn. Chúng ta đang có 6 thị trường lớn cho nông sản là: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Tới đây, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực càng khiến thị trường rộng mở. Tuy nhiên, cắt giảm thuế quan mới chỉ là một phần, quan trọng là phải đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật”,  ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nói.

Quả thực, năm 2018 chứng kiến sự thay đổi tư duy của nhiều cơ quan quản lý. Chuyện tổng tư lệnh ngành hay các lãnh đạo cấp vụ đi đàm phán bán rau, cá, thịt… ngày càng nhiều. Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã có 6 đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để mở cửa cho các mặt hàng.

Nhờ đó, nhiều nông sản Việt cũng đã mở rộng cánh cửa xuất khẩu như: thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc… Năm 2018, lần đầu tiên, nhiều nông sản Việt đã được các nước cấp “visa” xuất khẩu như: thịt gà vào được Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU... Tuy số lượng chưa lớn, song đã cho thấy uy tín của nông sản Việt ngày càng được thế giới thừa nhận.

Tiếp nối thành công đó, năm 2019, lần đầu tiên, ngành nông nghiệp có hai mặt hàng đặt mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD là thủy sản và lâm sản - đồ gỗ.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của nông sản xuất khẩu nước ta là giá trị chế biến trong các lô hàng xuất khẩu còn thấp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng “đặt hàng” cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó, lĩnh vực chế biến nông sản đứng top 10 thế giới, đưa nông nghiệp Việt Nam thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Mục tiêu này chưa dễ đạt được, khi ngành chế biến nông sản nước ta mới đang trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, đáng mừng là, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Chất lượng là con đường duy nhất của nông sản xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, muốn tham gia thị trường nông sản thế giới ngày càng phát triển và nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe, không còn con đường nào khác là đảm bảo chất lượng, mà một trong những biện pháp là thông qua chế biến. Chính vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, tăng đầu tư chế biến là biện pháp quyết định, không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu, mà còn đảm bảo tính bền vững của thị trường xuất khẩu. Chế biến cũng là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá những năm tới của ngành nông nghiệp.

Tin bài liên quan