Xuất khẩu lao động sang Đài Loan: Cần công khai danh tính doanh nghiệp sai phạm

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải đưa ra mức sàn tiền lương và trần chi phí đối với từng thị trường lao động nước ngoài, công khai danh tính doanh nghiệp làm ăn "có vấn đề" để quản lý hoạt động xuất khẩu lao động và giảm thiểu tình trạng lao động bỏ việc.     

Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động sang Đài Loan chỉ được thu phí môi giới ở mức 4.000 USD. Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy, có tới 60% doanh nghiệp thu phí cao hơn mức quy định. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó?

Hợp đồng xuất khẩu lao động đi Đài Loan do hai bên (chủ sử dụng lao động và công ty môi giới xuất khẩu lao động) thỏa thuận. Do tự thỏa thuận, nên chi phí đội lên và người đi xuất khẩu lao động phải gánh chịu. Điều đáng lưu ý là, khi không đáp ứng được yêu cầu làm việc và không đáp ứng được thu nhập, thì người lao động dễ lâm vào cảnh khốn cùng, làm gia tăng tình trạng bỏ việc.

Vậy cần làm gì để chấn chỉnh thị trường này?

Thị trường lao động Đài Loan hiện rất phức tạp.

Để chấn chỉnh thị trường này, trước hết, Việt Nam và Đài Loan cần có hiệp định hợp tác lao động hoặc bộ, ngành chức năng có cam kết để làm căn cứ bảo hộ người lao động.

Thứ hai, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Đài Loan phải đi sâu tìm hiểu thị trường Đài Loan để đưa ra những dự báo về thị trường, cơ cấu lao động, ngành nghề cần tuyển, mức thu nhập…, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trước khi sang thị trường này.

Thứ ba, cần công khai danh tính những doanh nghiệp làm ăn có vấn đề.

Đâu là giải pháp dễ nhất để quản lý việc thu phí của doanh nghiệp xuất khẩu lao động nói chung, thưa ông?

Trước hết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật, tập hợp lại để xây dựng một thông tư hướng dẫn đầy đủ để người lao động và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong hoạt động xuất khẩu lao động.

Xuất khẩu lao động sang Đài Loan: Cần công khai danh tính doanh nghiệp sai phạm  ảnh 1

 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải đưa ra mức sàn tiền lương đi làm ở từng thị trường và trần chi phí đối với từng thị trường, để từ đó người lao động xác định được chính xác mức đóng và làm cơ sở quản lý doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện sai phạm, nhưng phát hiện để xử lý, chứ không phải gây khó cho doanh nghiệp. Công tác xuất khẩu lao động phải được tổng kết sau 10 năm thực hiện để xem xét những gì gây ách tắc, khó khăn để có hướng xử lý. Những quy định về xuất khẩu lao động cần phải sửa theo hướng thông thoáng cho doanh nghiệp và người lao động, nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Cái quan trọng nhất hiện nay mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm, nhưng chưa đi vào cuộc sống, là việc nối mạng công khai tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hiệp hội Doanh nghiệp xuất khẩu lao động có thể công khai chấm điểm từng doanh nghiệp để làm căn cứ cho người dân lựa chọn. Nếu hệ thống này làm tốt thì bất kể người dân nào cũng có thể tra cứu xem một doanh nghiệp đang tuyển gì, làm gì, đi đâu và chi phí có hợp lý không.

Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang là những thị trường trọng điểm, nhưng cũng là những thị trường nóng về vi phạm và bỏ hợp đồng của người lao động. Theo ông, đâu là những lý do dẫn tới hiện tượng này?

Tình trạng người lao động bỏ việc một phần do khả năng ngoại ngữ của người lao động kém, nên không thể giao tiếp với chủ sử dụng lao động...

Nguyên nhân nữa là nhiều lao động đi theo phong trào, mà không tìm hiểu rõ thị trường, ngành nghề, thời gian, làm gì và bản thân mình có đáp ứng được ngành nghề đó không và mình đủ điều kiện học văn hóa, ngoại ngữ không.

Vậy cần phải làm gì để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

Về phía người lao động, phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp xuất khẩu lao động xem uy tín thế nào, hợp đồng có đáng tin cậy không.

Đồng thời, khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, người lao động không được qua loa, đại khái, doanh nghiệp nói gì cũng ký, mà phải xem xét kỹ thời gian làm trong bao lâu, làm ngành nghề gì, làm mấy tiếng/ngày, mấy ngày trong tuần, mình có đáp ứng được sức khỏe không, lương bao nhiêu, điều kiện làm việc thế nào, kể cả vấn đề vệ sinh an toàn lao động.

Thực tế, một số doanh nghiệp khá tốt, nhưng một số không nhất ngôn, khi tư vấn thì đưa ra mức phí thấp, nhưng thực tế thu tăng dần, trong khi người lao động đã đâm lao phải theo lao. Nhiều người dân nghèo vay tiền đi xuất khẩu lao động, nên để có mức lương cao, họ buộc phải vi phạm hợp đồng…

Về phía chính quyền địa phương, phải là chỗ dựa cho người lao động, không nên vì lợi ích nhóm gây khó khăn cho doanh nghiệp hay để doanh nghiệp bóc lột người lao động.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, xuất khẩu lao động là giải pháp rất cần thiết về mặt kinh tế, nhưng không phải đi bằng mọi giá. Tôi mong rằng, các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới xuất khẩu lao động phải thực sự thông thoáng, cụ thể, bởi chính sách liên quan tới xuất khẩu lao động đang phục vụ phần đông là lao động phổ thông.

Tin bài liên quan