Xuân Kỷ Hợi đọc bài báo viết từ xuân Kỷ Dậu của Hồ Chủ tịch

Xuân Kỷ Hợi đọc bài báo viết từ xuân Kỷ Dậu của Hồ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã viết bao nhiêu bài báo thì cho đến nay có lẽ vẫn là một ẩn số dù chúng ta đã sưu tầm, tìm kiếm từ nhiều năm qua.

Lý do, Hồ Chủ tịch viết cho nhiều tờ báo, với nhiều ngôn ngữ và bút danh khác nhau, đặc biệt là những năm tháng hoạt động ở nước ngoài.

Theo báo Nhân dân, Hồ Chủ tịch viết khoảng 3.000 bài báo, hơn 174 bút danh đề cập toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng và đời sống xã hội. Trên báo Nhân dân số đầu tiên (ra ngày 11/3/1951), Người đã đăng bài “Phong trào mua công trái” và sau đó, Người thường viết cho tờ báo này mỗi năm vài chục bài báo.

Tuy nhiên năm 1969, trước lúc đi xa, có lẽ do sức khỏe không được tốt, Hồ Chủ tịch chỉ viết cho báo Nhân dân 3 bài. Song đến nay, ba vấn đề được Người đề cập trong các bài báo vẫn còn nguyên giá trị.

Bài thứ nhất có tựa đề “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng tải ngày 3/2/1969. Bài thứ hai là bài “Tết trồng cây” ngày 5/2 và bài thứ ba “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục Thiếu niên, Nhi đồng” ngày 1/6.

Trong bài này, chỉ xin đề cập đến bài “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được đăng trong dịp Kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng Cộng sản. Bài báo khá dài, 702 từ (Hồ Chủ tịch thường viết ngắn, có bài chỉ 150 – 200 từ) chứng tỏ Người coi đây là vấn đề rất quan trọng, cần nói kỹ.

Ở phần đầu của bài báo, Hồ Chủ tịch điểm lại 39 năm (1930 - 1969) đấu tranh Cách mạng với những thành tựu vô cùng to lớn của đất nước do Đảng lãnh đạo. Đó là Cách mạng Tháng Tám khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và cuộc chiến tranh thống nhất đất nước cùng với công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Người viết: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng trong mọi hoạt động hàng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang.

Ðảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.

Ðó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Ðảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”.

Tuy nhiên ngay sau đó, Người đã chỉ ra sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân mà theo Người là nguyên nhân dẫn đến việc “một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”.

Người viết: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình".

Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Ðảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.

Có thể nói dù đã trải qua nửa thế kỉ, song những cảnh báo của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị và hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ở mức nghiêm trọng.

Đó là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình".

Vì chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, của gia đình mình, của nhóm lợi ích mà không ít người đã sa vào con đường tội lỗi. Đã từng có cả những cán bộ thuộc hàng cao cấp nhất của Đảng bị truy tố. Nhiều tướng lĩnh của lực lượng vũ trang cả Công an và Quân đội đã bị xử lý kỉ luật, trong đó không ít người sa vòng lao lý.

Vì lợi ích của gia đình mình, dòng họ mình, họ sẵn sàng “tham nhũng” công tác tổ chức, đưa con em, họ hàng và những người cùng phe nhóm vào những vị trí quan trọng, tạo nên tình trạng “5C, 4 Êå”.

Vì lợi ích cá nhân, họ tham nhũng một cách tinh vi hơn, “cao cấp” hơn, đó là lợi dụng vị thế của mình để tham nhũng chính sách, tạo những khe hở trong các văn bản để gia đình, cộng sự lợi dụng làm giàu bất chính.

Vì chủ nghĩa cá nhân, họ ngại khó khăn, gian khổ, thích và hay đến với những cuộc liên hoan, hội hè, mừng công để nhận bổng lộc và cả những lời tung hô hơn là đến với người lao động nghèo khổ, đến với những miền đất mà ở đó, người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Vì chủ nghĩa cá nhân, họ tham lam quyền lực, nhất là những nơi “quyền hành” đi liền với “lợi lộc” để rồi dùng tiền leo lên những vị trí cao hơn.

Có thể nói tất cả các thói hư, tật xấu mà Hồ Chủ tịch đã cảnh báo như “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ” thì hiện nay, đã và đang xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, thậm chí không ít lúc, ít nơi nó còn xuất hiện với tần số không nhỏ.

Vậy thì làm gì để chống lại chủ nghĩa cá nhân? Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Ðể làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Ðảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Ðảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Ðảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Ðảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Ðảng phải chặt chẽ.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.

Nhận thức rất rõ về sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, thực hiện di nguyện của Hồ Chủ tịch, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, không ngừng chỉnh đốn mà gần đây nhất là công cuộc chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ, giữ gìn thanh danh của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo.

Có thể nói cho đến thời điểm này, một trong những điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhất, đó là chỉnh đốn Đảng. Trong đó, ông Trọng đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống tham nhũng với quyết tâm “lò đã nóng, củi tươi, củi khô đều cháy”.

Có thể nói trong lịch sử 73 năm kể từ ngày giành độc lập, chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng được chú trọng và cũng đạt hiệu quả cao như hiện nay.

Việc có nhiều, rất nhiều vụ án cùng hàng ngàn đối tượng liên quan đến lĩnh vực này bị đem ra xét xử vừa qua đã có tính cảnh báo, răn đe hiệu quả. Tuy chưa có những con số cụ thể nhưng không khó để nhận thấy, tình trạng tha hóa của cán bộ, đảng viên đang có xu hướng giảm. Tình trạng tham nhũng đang được đẩy lùi…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến tha hóa, biến chất. Vẫn còn nhiều những vụ việc cần phải xử lý kỉ luật, thậm chí truy tố trước pháp luật chưa được xử lý, nhiều “củi” cả khô và tươi chưa được vào “lò”…

Do đó, công cuộc chỉnh đốn, giữ gìn thanh danh của Đảng cần phải tiếp tục đẩy mạnh. Công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục phải quyết liệt bởi những thói hư, tật xấu của một số đảng viên trong Đảng sẽ trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chính đảng cầm quyền.

Mong rằng Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ xóa sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện thành công cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để xây dựng một nước Việt Nam “sánh vai với cường quốc năm châu” như mong muốn của Người.

Tin bài liên quan