Xử lý nhà đất tiếp tục là hòn đá tảng chặn cổ phần hóa

Xử lý nhà đất tiếp tục là hòn đá tảng chặn cổ phần hóa

(ĐTCK) Một loạt những doanh nghiệp lớn có tên trong danh sách sắp cổ phần hóa như VNPT, Agribank, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… có thể chậm cổ phần hóa do các quy định mới liên quan đến đất đai và cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước.

Ngày 18/4/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 4544/BTC-TCDN hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, theo đó phải rà soát đến các đơn vị cấp 2, cấp 3 của tập đoàn, tổng công ty. Như vậy số lượng các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng phải rà soát, sắp xếp lại, xử lý là rất lớn.

Theo quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà đất. Do đó, những tập đoàn, tổng công ty thực hiện chuyển chủ sở hữu vốn sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) đang e ngại tiến trình này sẽ kéo lùi tiến độ cổ phần hóa, quyết toán cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp 2 thuộc các tập đoàn, tổng công ty, theo kế hoạch, đến hết năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn hành cổ phần hóa 20 doanh nghiệp cấp 2, đến nay đã hoàn thành cổ phần hóa 5 doanh nghiệp, Trong năm 2019 - 2020, các tập đoàn, tổng công ty sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 15 doanh nghiệp cấp 2.  

Đại diện SMSC tại cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ mới đây cho biết, thời gian vừa qua, Ủy ban tiếp nhận được nhiều văn bản của Bộ Tài chính, trong đó đề nghị Ủy ban có quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất trước đây các bộ đồng ý cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng.

Theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, đối với các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được giữ lại tiếp tục sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng (đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng (đối với công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) các cơ sở nhà, đất bảo đảm phù hợp với yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ hoạt động của từng đơn vị.

Đối với các cơ sở nhà, đất được giữ lại sử dụng, công ty nhà nước phải thực hiện thuê đất hoặc được giao đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

SMSC cho rằng, đối chiếu quy định nêu trên, việc Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban phê duyệt phương án sử dụng đất cho các cơ sở nhà đất doanh nghiệp được phép tiếp tục sử dụng là rất khó khăn vì khối lượng hồ sơ, cơ sở nhà đất đã được các bộ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng xử lý trước đây rất lớn, thời gian kéo dài, tính chất phức tạp.

Để gỡ tắc vấn đề này, SMSC đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ chủ quản có quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất được tiếp tục sử dụng của các doanh nghiệp mà trước đây, Bộ Tài chính và bộ chủ quản đã thực hiện theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg. Trường hợp Ủy ban phải phê duyệt, đề nghị Bộ Tài chính, bộ chủ quản có ý kiến thống nhất bằng văn bản gửi Ủy ban.

Theo kế hoạch cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2016 - 2020, có 9 tập đoàn, tổng công ty thuộc SMSC phải cổ phần hóa, đến nay mới có 3 đơn vị thực hiện xong nhiệm vụ này.

Cho rằng xử lý nhà đất sẽ tiếp tục là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa, SMSC viện dẫn quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đều có quy mô lớn, cơ sở nhà đất đang quản lý nằm ở nhiều địa phương, nhiều địa điểm có lịch sử phức tạp nên việc rà soát, kiểm kê, lập phương án sử dụng đất trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp sẽ phức tạp. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa ở nhiều địa phương kéo dài, không bảo đảm thời hạn theo quy định. Những nguyên nhân nêu trên sẽ góp phần làm cho quá trình cổ phần hóa kéo dài.

Lo ngại không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, Ủy ban đề nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các địa phương ưu tiên xem xét, xử lý phương án sử dụng đất của các DN đang hoặc chuẩn bị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm đúng quy định phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể. Trường hợp có nguyên nhân khách quan do quá trình sắp xếp lại nhà đất kéo dài, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa DN.

Tin bài liên quan