Dự thảo quy định về làm thêm giờ đang gây bất an cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường

Dự thảo quy định về làm thêm giờ đang gây bất an cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường

"Xin hãy để cho doanh nghiệp và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuần, đừng tranh luận gì thêm nữa..."

Các doanh nghiệp cảm thấy bất an khi Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều quy định dự báo sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế không thể tuân thủ.
 

Doanh nghiệp bất an vì dự thảo ‘đếm cua trong lỗ’

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng đã nói như khóc: “Xin hãy để cho doanh nghiệp và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuần. Đừng tranh luận gì thêm nữa, hãy đến xem chúng tôi đang sống thế nào”.

Phát biểu của ông Thịnh khiến những người đang dự Hội thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi: Những tác động bất lợi và kiến nghị (do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM tổ chức sáng 18/9/2019) lặng đi. Không chỉ rất đông doanh nghiệp, các chuyên gia như ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM; bà Nguyễn Thị Hồng, Trường Đại học Lao động - Xã hội; bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Lao động - Xã hội; bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM... cũng không thể ngồi yên.

Họ vừa tranh luận rất nhiều về việc giờ làm việc 1 tuần là 44 hay 48 tiếng, làm thêm 200-300 giờ/năm hay 400-500 giờ/năm, lương làm thêm có lũy tiến theo giờ không…, về cơ sở pháp lý, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, các tác động tới kinh tế, xã hội… Thậm chí, bà Hồng còn lo cho người lao động chưa đủ kiến thức để lo sức khỏe của mình, nên phải có các quy định lo hộ...

Nhưng, điều họ chưa nói đến, đó là 90-95% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải tính lên, tính xuống để có việc làm, có thu nhập cho người lao động, có tiền đề nộp thuế...

“Chúng tôi không đủ tiền để trả phần lương vượt trội thời gian như các vị tính nhẩm kiểu bắt “cua trong lỗ” đâu, đừng xô đẩy doanh nghiệp khó khăn thêm nữa, thậm chí còn là phạm pháp khi bị kết tội là không tuân thủ pháp luật”, ông Thịnh nói với tâm trạng bất an.

Thực tiễn kinh doanh là điều mà các doanh nghiệp đang đau đáu muốn gửi tới các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội vào lúc này. Họ lo lắng, nếu những người đang có tác động đến các quy định mà họ sẽ phải tuân thủ không thực sự thấu hiểu doanh nghiệp, không gần với doanh nghiệp, sẽ lại có những quy định “hợp pháp nhưng không hợp lý”.

“Ngay cả quy định về làm thêm giờ hiện tại cũng đang làm điêu đứng và gây nỗi bất an cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp rồi”, ông Thịnh nói.

Chúng tôi không đủ tiền để trả phần lương vượt trội thời gian như các vị tính nhẩm kiểu bắt “cua trong lỗ” đâu, đừng xô đẩy doanh nghiệp khó khăn thêm nữa...   

Đây cũng là điều mà bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) bay từ TP.HCM ra Hà Nội, để nói lên tiếng nói của hội viên.

“Chúng tôi muốn làm ăn hợp pháp. Nếu các đại biểu Quốc hội thông qua những quy định trên, doanh nghiệp bị buộc  đưa mình vào thế vi phạm pháp luật vì không thể tuân thủ”, bà Chi nhấn mạnh.

Sao không thể tuân thủ?

Việc hoàn thành đơn hàng là sống còn với doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, phụ thuộc rất lớn vào đơn hàng, vào nhà nhập khẩu... Bởi vậy, mới có thuật ngữ sản xuất mùa vụ để chỉ khoảng thời gian các doanh nghiệp chạy đơn hàng.

Với ngành dệt may - da giày, mùa vụ tập trung vào khoảng tháng 12; với doanh nghiệp thủy sản là  tháng 5-6 và tháng 9 -10 hàng năm…

“Mùa vụ ở đây là cả nguyên liệu và hợp đồng. Đến thời gian giao hợp đồng hay đến thời điểm bà con mang hàng đến, doanh nghiệp buộc phải làm hết công suất, bất kể có vi phạm thời gian làm thêm giờ cũng phải làm. Chưa kể nhà nhập khẩu thay đổi mẫu mã, cắt giảm hay tăng đơn hàng tùy theo thị trường tiêu thụ, nếu chúng tôi không làm thêm ở thời điểm giao hàng, không giao hàng kịp, thì hoặc bị phạt, hoặc phải vận tải bằng máy báy, coi như mất cả công lẫn lãi”, bà Chi kể.

Tất nhiên, khi làm thêm giờ, tiền công sản phẩm trả cho người lao động cao hơn đơn giá bình thường, không được tính vào chi phí giá thành, mà phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp không muốn làm thêm giờ, không muốn những lúc thấp điểm, giãn việc, người lao động nghỉ cả thứ Bảy, Chủ nhật… Đó là thực tế kinh doanh mà các nhà làm luật, nhà hoạch định chính sách cần thấu rõ, vì quy định 200-300 giờ như hiện tại, nếu doanh nghiệp vì yêu cầu đơn hàng mà phải vi phạm, thì các tổ chức đánh giá nhà máy của bên nhãn hàng nước ngoài sẽ vin vào đó để kết luận doanh nghiệp vi phạm pháp luật, cắt bỏ đơn hàng... Đó là lý do chúng tôi đề nghị khung làm thêm giờ cho các doanh nghiệp khoảng 450-500 giờ/mỗi năm cho đủ an toàn”, ông Thịnh đề xuất.

Không phải các doanh nghiệp sản xuất mới kêu ca. Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự lo ngại khi các lĩnh vực kinh doanh có tính kết nối với toàn cầu cao, như luật sư, tư vấn thương mại quốc tế, tư vấn tài chính, lập trình viên… có nhu cầu làm thêm giờ rất cao.

“Chúng tôi có khách hàng cách cả nửa vòng trái đất, với múi giờ chênh lệch, buộc phải làm cả ban đêm. Nếu hạn chế thời gian làm thêm giờ, nếu không có tư duy mới, sẽ ngăn cản khả năng kết nối của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vào các hoạt động kinh doanh quốc tế”, ông Hưng nói.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH:

Cần một bộ luật thúc đẩy mọi người làm việc.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM)

Các nhà soạn thảo Dự thảo này đã đánh giá tác động thế nào, có thực sự đầy đủ không, vì tôi không nhìn thấy đời sống thực tế trong nội dung các điều khoản, thậm chí nhiều quy định đang tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, đây không phải là bộ luật quy định về quan hệ chủ - thợ. Tư duy đó đã quá cũ. Mục tiêu của lần sửa đổi này phải là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, thúc đẩy trách nhiệm của mọi vị trí lao động…

Với các quy định can thiệp quá sâu vào quan hệ lao động, sẽ không toàn dụng lao động được, thậm chí có cả cơ chế khuyến khích ngược, như tiền lương làm thêm lũy kế theo giờ. Điều quan trọng, khi quy định không thực tế, chủ sử dụng lao động buộc phải lách, nghĩa là phải mất chi phí, nhưng đó là lãng phí của xã hội.

Nếu giảm thời gian làm việc từ 48 còn 44 giờ/tuần, ngành sẽ thiếu hụt lao động.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso)

Là ngành sử dụng 1,5 triệu lao động, chúng tôi sẽ chịu tác động lớn khi Bộ luật Lao động sửa đổi được ban hành. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, hiện giờ, ngành đang rất khó tuyển người, đang phải tuyển cả lao động 50 tuổi. Cứ đến các khu công nghiệp, nhìn các bảng tuyển lao động giăng đầy thì sẽ rõ.

Nếu giảm thời gian làm việc từ 48 còn 44 giờ/tuần, ngành sẽ thiếu hụt lao động. Còn với người lao động, họ có được nghỉ ngơi không? Tôi tin là không khi chủ yếu lao động trong ngành là nhập cư, họ sẽ phải đi tìm việc để thêm thu nhập. Quy định giảm giờ làm này có ảnh hưởng đến xã hội không, tôi tin là có. Theo chúng tôi, mọi sự thay đổi cần, nhưng phải có lộ trình và chưa phải lúc này.

Các đối tác đau đáu sợ tụt hậu, còn Việt Nam lại bàn giảm giờ làm.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Doanh nghiệp tôi có 10.000 lao động, đã hoạt động hơn 20 năm, làm việc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tôi luôn thấy các đối tác đau đáu sợ tụt hậu. Họ làm việc tới 9-10 giờ đêm, cốt sao công việc tốt nhất.

Còn Việt Nam thì sao? Năng suất lao động còn thấp, lợi thế vẫn là các ngành thâm dụng lao động. Tại sao lại cứ bàn giảm giờ làm? Bản thân các doanh nghiệp coi người lao động là tài sản, rất có ý thức tạo môi trường thuận lợi để giữ chân lao động….

Điều chúng tôi mong chờ là một bộ luật để người chủ lao động và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về công việc, giờ làm, lương thưởng… theo nguyên tắc của hợp đồng lao động, thỏa ước lao động.

Tin bài liên quan