Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp trong khuôn khổ WEF Davos 2018

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp trong khuôn khổ WEF Davos 2018

WEF Davos 2018: Cơ hội rộng mở cho kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam, cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam là vô cùng lớn, hứa hẹn cho một năm sôi động của các dòng vốn đầu tư. Có thể thấy rõ sự tích cực này qua các thông điệp và hoạt động của đoàn Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018 diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ vừa qua.

Nhiều tập đoàn quốc tế muốn gia tăng đầu tư tại Việt Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn, tại cuộc gặp của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo toàn cầu các tập đoàn HSBC, Google, BAE System, Marsh&Mc Lennan, SK, Carlsberg… có nhiều thông tin tích cực về triển vọng mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Đơn cử, HSBC nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường quan trọng của tập đoàn này và khẳng định sẽ đầu tư lâu dài tại đây. Standard Charterd cam kết đầu tư phát triển tài chính công nghệ (Fintech) và cho biết sẽ tham gia vào quá trình cổ phần hóa ngân hàng ở Việt Nam.

SK cho hay, Tập đoàn đã hỗ trợ lập Quỹ Doanh nghiệp vừa và nhỏ với mong muốn tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ. Tương tự, Carlsberg muốn tăng đầu tư vào thị trường nước giải khát của Việt Nam, tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp rượu bia, nước giải khát nội địa...

Trong khi đó, Tập đoàn Marsh&Mc Lennan mong muốn mở rộng đầu tư vào thị trường bảo hiểm, hợp tác quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp. Tập đoàn BAE quan tâm đến hợp tác an ninh mạng, đóng tàu tuần tra. Công ty Avaada bày tỏ sự quan tâm đến một số dự án điện. Công ty Puma Energy mong muốn trở thành cổ đông chiến lược trong các doanh nghiệp năng lượng của Việt Nam...

Những động thái trên được nhìn nhận sẽ phần nào giải tỏa sự e ngại của giới đầu tư trong nước về nguồn cung hàng khổng lồ trong năm 2018, mà như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng chia sẻ, Nhà nước dự kiến thoái vốn, cổ phần hóa với giá trị vốn nhà nước bán ra gấp 6,5 lần năm 2017.

Bên cạnh sự quan tâm và đánh giá cao của các tập đoàn nước ngoài, những chuyển động trong việc triển khai ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ tạo cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp Việt.

Hiện tại, Việt Nam đã là thành viên của hơn 10 FTA có tính chất toàn cầu và khu vực. Trong năm 2018, Việt Nam và các bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - là những FTA có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe về năng lực thực thi chính sách. Bên cạnh đó, nhiều khả năng FTA giữa Việt Nam với khối EFTA (gồm 4 nước  Thụy Sỹ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland) sẽ được ký kết trong 6 tháng đầu năm 2018.

“Hội nhập quốc tế về kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong năm nay”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Sự cầu thị đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trân trọng đón nhận các nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ tại các sự kiện, hoạt động bên lề WEF Davos 2018.

Trước các nhà lãnh đạo, các tổ chức kinh tế và tập đoàn nước ngoài, Phó thủ tướng nhấn mạnh, năm 2017, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, với lạm phát thấp; năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc so với năm 2016 và 30 bậc so với 2012; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 12 bậc lên vị trí 47/127 nền kinh tế trên toàn cầu; số lượng doanh nghiệp thành lập mới, thu hút vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng kỷ lục…

Lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới đều bày tỏ sự ấn tượng về tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam trong năm qua, đồng tình và đánh giá cao chủ trương, quan điểm hoàn thiện pháp luật, thể chế kinh tế của Chính phủ Việt Nam qua các phiên tọa đàm trong khuôn khổ WEF Davos 2018.

Thích ứng với chuyển động mới

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam đang cùng cộng đồng ASEAN tự tin tạo nên dòng chuyển động mạnh mẽ, hướng tới phát triển thịnh vượng và bao trùm.

"Để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, chính phủ và doanh nghiệp của từng nước ASEAN cần phát huy tính tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới, sáng tạo...", Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng, cơ hội cho các doanh nghiệp nằm ở chính nội khối ASEAN, bởi đây là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới, với 260 triệu người dân thường xuyên tiếp cận Internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu người vào năm 2020. ASEAN có nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới trong cách mạng công nghệ 4.0.

"Thế giới số, siêu kết nối thông minh đang tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực mới, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, tiếp vận logistics, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thủ tướng, thế giới hôm nay, với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, hạ tầng và mô hình kinh doanh cũ, tạo cơ hội để những doanh nghiệp mới bứt phá, vươn lên.

Bên cạnh cơ hội, Phó thủ tướng cho rằng, cách mạng 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức. Chẳng hạn, việc tự động hóa sâu rộng, thay đổi mô hình kinh doanh sẽ gây ra xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động. Những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi sự đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý của các chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng...

Chính phủ đang thích ứng với sự thay đổi từ cách mạng 4.0, các doanh nghiệp càng có lý do và buộc phải có chiến lược, giải pháp để thích ứng và nắm bắt những cơ hội, vận hội mới.

WEF là nơi quy tụ các doanh nghiệp dẫn dắt cuộc chơi công nghệ và kinh doanh

WEF Davos 2018: Cơ hội rộng mở cho kinh tế Việt Nam ảnh 1

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT 

WEF là nơi quy tụ các doanh nghiệp đang dẫn dắt cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Đồng hành cùng các doanh nghiệp này, Việt Nam nói chung và FPT nói riêng sẽ có cơ hội bứt phá, tạo nên một vị thế khác cho Việt Nam cả về công nghệ và các chỉ số kinh tế trên sân chơi toàn cầu.

FPT có 7 năm liên tiếp tham gia các kỳ WEF. Tại WEF Davos 2017, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi hợp tác về chuyển đối số, trí tuệ nhân tạo, IoT với khoảng 50 doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, sản xuất máy bay, tài chính ngân hàng... và đã có 20 doanh nghiệp trong số này trở thành khách hàng, đối tác của FPT.

Tin bài liên quan