GDP quý III của Việt Nam đạt 7,46%, mức cao kỷ lục sau nhiều năm

GDP quý III của Việt Nam đạt 7,46%, mức cao kỷ lục sau nhiều năm

WB: Việt Nam có thể cán đích GDP 6,7%

(ĐTCK) Với con số tăng trưởng GDP quý III/2017 lên tới 7,46%, bên cạnh các yếu tố vĩ mô tích cực, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể đạt mức 6,7% đề ra.

Quý III, những con số tích cực

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về con số dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6,3% vừa được Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tháng 10/2017 công bố, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB giải thích, Báo cáo được thực hiện trước khi Tổng cục Thống kê công bố con số GDP quý III là 7,46%. Khi đưa ra dự báo hiện tại, WB dựa trên thống kê GDP của 2 quý đầu năm, cũng như cân nhắc các diễn biến đã diễn ra.

“Điều cơ bản cho yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn chặt với cầu trong nước, khu vực dịch vụ phát triển mạnh, nông nghiệp tiếp tục hồi phục, sản lượng công nghiệp, khai khoáng tiếp tục tăng mạnh và đặc biệt, Việt Nam được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cụ thể là từ khu vực châu Á”, ông Eckardt nói.

Nghiên cứu của WB cho thấy, mặc dù có suy giảm nhẹ, nhất là trong quý I/2017, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng khá vững chắc. GDP 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ 2016.

Các hoạt động kinh tế đã được cải thiện và tăng trưởng GDP cho quý III đã tăng lên mức kỷ lục 7,46% cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể sẽ vượt mức dự báo của WB và đạt kế hoạch 6,7% đề ra

- Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB. 

Trong đó, sản lượng khai khoáng giảm 8,2% so với cùng kỳ chủ yếu do các mỏ dầu của Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên và việc khai thác ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng bù lại, các lực đẩy như cầu nội địa và công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng trưởng tốt.

Cụ thể, ngành dịch vụ tăng 6,9% nhờ bán lẻ tăng mạnh do tiêu dùng trong nước tăng. Sản xuất công nghiệp (trừ khai khoáng) tăng trưởng mạnh, trong đó công nghiệp chế tạo tăng 10,5% trong nửa đầu năm 2017, phần lớn nhờ khu vực đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu. Nông nghiệp cũng hồi phục dần sau tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn năm trước, đạt mức tăng trưởng 2,7%...

Nhờ kinh tế hồi phục nên thị trường lao động cũng sôi động hơn, với việc bổ sung thêm hơn 270.000 việc làm thường xuyên mới trong quý đầu năm 2017. Hầu hết việc làm mới được tạo ra trong khu vực FDI, nhất là tại các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo đặt tại các vùng nông thôn. Lương thực tế tăng 4,5% trong quý I, (so với cùng kỳ năm ngoái, lương thực tế tăng trên 20% trong tất cả các ngành), trong đó lao động tay nghề thấp tại địa bàn nông thôn được hưởng lợi nhiều nhất.

Một số vấn đề cần lưu ý

Bên cạnh sự tích cực, chuyên gia kinh tế của WB cũng chỉ ra những quan ngại liên quan đến các rủi ro trong nước và bên ngoài, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải liên tục áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng.

Cụ thể, WB cho rằng, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần phải củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tái tạo khoảng đệm chính sách và coi đây là ưu tiên hàng đầu. Giảm thâm hụt tài khóa sẽ giúp kiềm chế rủi ro về bền vững tài khóa và tạo khoảng đệm tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường các nghiệp vụ giám sát và quản lý thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho khu vực ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh.

Thách thức về lâu dài đối với Việt Nam là làm sao duy trì được tăng trưởng với tốc độ cao đi đôi với giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt thị trường yếu tố sản xuất (đất đai, vốn) sẽ giúp xóa bỏ các rào cản chủ yếu trong quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, cần giải quyết khoảng cách về giới trong trả công lao động, nhất là trong khu vực FDI, nơi mà lương lao động nam vẫn tăng ngay cả khi lương lao động nữ có xu hướng giảm nhẹ.

Về triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam được WB đánh giá là tích cực, nhưng suy giảm của ngành khai khoáng, đặc biệt là khai thác dầu thô, đã gây tác động tiêu cực tới mức tăng trưởng chung. Áp lực lạm phát dự kiến ở mức vừa phải do lạm phát lõi ổn định và đã có sự phối hợp điều chỉnh giá dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước quản lý. Tài khoản thanh toán vãng lai sẽ vẫn thặng dư, nhưng mức thặng dư sẽ giảm do nhập khẩu tăng nhanh trở lại. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

“Các hoạt động kinh tế đã được cải thiện và tăng trưởng GDP cho quý III đã tăng lên mức kỷ lục 7,46% cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể sẽ vượt mức dự báo của WB và đạt kế hoạch 6,7% đề ra”, ông Eckardt nói.

Tin bài liên quan