WB đề xuất 4 danh mục hành động chính sách với Việt Nam để phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch

WB đề xuất 4 danh mục hành động chính sách với Việt Nam để phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch

(ĐTCK) Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, Báo cáo chính sách vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất một danh mục các hành động chính sách mà Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc để phục hồi nhanh nền kinh tế trong vài tháng tới.

Tối ưu hóa đầu tư công thông qua các biện pháp kích thích tài khóa 

Khuyến nghị chính của WB là kết hợp các dự án đầu tư có quy mô lớn với các dự án có quy mô nhỏ cũng như các dự án cộng đồng. Các dự án quy mô lớn có lợi thế về tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với nhiều thành phần kinh tế hơn.

Trong lộ trình phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của các cơ quan quản lý là tập trung vào các dự án lớn nhằm tăng cường tính kết nối theo các trục giao thông xương sống và phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức. 

Đồng thời, là việc xây dựng các dự án cộng đồng quy mô nhỏ, chủ yếu thông qua các công trình công cộng, cũng cần được ưu tiên thực hiện ở cấp địa phương. Những dự án này đã chứng minh hiệu quả trong hoạt động nâng cấp, bảo trì cơ sở hạ tầng ở cấp địa phương, đặc biệt khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm triển khai gần 75% các dự án đầu tư công tại Việt Nam. 

“Các dự án này sẽ cải thiện điều kiện sống của người dân, nâng cao năng suất của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch và các mục tiêu bảo trợ xã hội, trên cơ sở tạo việc làm cho những lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, bao gồm cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”, WB nhận định. 

Khai thác tối đa chương trình chuyển đổi số 

Theo WB, các công nghệ kỹ thuật số đã thể hiện vai trò to lớn trong các cuộc khủng hoảng bằng cách hỗ trợ triển khai các giải pháp về sức khỏe (ví dụ như điều trị từ xa); cho phép doanh nghiệp thích ứng với các quy định về hạn chế đi lại (ví dụ như làm việc tại nhà, thanh toán di động); hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì hoạt động qua thời kỳ suy thoái (ví dụ như FinTech).

Hay như câu chuyện cung cấp đầu vào nông nghiệp (ví dụ phiếu thanh toán điện tử); thực hiện hiệu quả hơn các chương trình lưới an sinh xã hội (thông qua thanh toán trên nền tảng di động); và duy trì các hoạt động học tập (ví dụ: ứng dụng học tập, nội dung trực tuyến).

Tích hợp và phát triển các công nghệ kỹ thuật số này sẽ tạo động lực phục hồi, đồng thời đảm bảo hiệu quả lâu dài cho cả doanh nghiệp và chính phủ. 

Một tập hợp hành động chính sách có hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi phải có cam kết mạnh mẽ hơn, thay vì sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách, bởi Việt Nam đã có hầu hết các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết. Các nhà cung cấp dịch vụ di động đã sở hữu hầu hết các công nghệ cần thiết để Việt Nam phát triển nhảy vọt trong tương lai. 

Bảo vệ và tạo việc làm cũng như tăng cường vốn nhân lực 

Trong ngắn hạn, WB cho rằng, cần tập trung các biện pháp đảm bảo thu nhập cho người lao động và hộ gia đình cũng như hạn chế tình trạng mất việc làm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm quy mô kinh doanh. Cung cấp trợ cấp tiền lương để khuyến khích doanh nghiệp duy trì và tuyển dụng lao động thuộc các nhóm dễ bị tổn thương. 

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ vẫn cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ thu nhập, cần tập trung kết nối người thất nghiệp với cơ hội việc làm và thúc đẩy tạo việc làm trong các lĩnh vực có tiềm tăng phục hồi việc làm nhanh hơn bằng cách cải thiện các luồng thông tin và cơ chế làm việc linh hoạt. 

Ngoài ra, tổ chức đào tạo, phát triển các kỹ năng theo yêu cầu của lao động thất nghiệp thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ như điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động cho các ngành có tiềm năng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi hay tập trung vào các kỹ năng kỹ thuật số, cảm xúc-xã hội, kỹ thuật tiên tiến và khởi nghiệp kinh doanh. 

Hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi Covid-19 

Theo WB, du lịch cần định hướng phục hồi từng bước. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải, hành động đầu tiên mà Chính phủ cần thực hiện là xác định các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn nhất và đảm bảo các doanh nghiệp này có đủ tiềm lực tài chính để dần phục hồi hoạt động. Việc hỗ trợ nên hướng tới tháo gỡ khó khăn dòng tiền thông qua giảm thuế và cơ cấu nợ để các doanh nghiệp có thể trả tiền lương và các chi phí đầu vào (như xăng dầu). 

Một lộ trình cải cách dài hạn, theo WB cũng cần được xây dựng để định hướng quá trình phục hồi trong lĩnh vực này. Xây dựng mới cơ sở hạ tầng giao thông có thể là một công cụ hiệu quả để tạo việc làm trong ngắn hạn, nhưng các dự án này nên được thực hiện với mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Cần đảm bảo rằng các dự án đầu tư giai đoạn phục hồi tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng và phòng chống thảm họa. 

Báo cáo của WB đánh giá, Covid-19 đã tạo ra những cú sốc chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã và đang minh chứng khả năng chống chịu, nhưng sự bùng phát dịch bệnh đã làm giảm đột ngột nguồn cung do những gián đoạn trong vận hành và các chuỗi cung ứng.

Đại dịch cũng gây ra những cú sốc về phía cầu khi người dân cắt giảm tiêu dùng đối với một số dịch vụ và hàng hóa, không chỉ trong lĩnh vực nhà hàng hay du lịch, mà cả các lĩnh vực khác trong nền kinh tế do tâm lý bất an về tình hình kinh tế, tài chính trong tương lai.

Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã hành động rất hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch, nhờ đó số lượng ca nhiễm duy trì ở mức thấp và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Chính phủ cũng đã tích cực hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tín dụng cũng như thực hiện một loạt các biện pháp tài khóa khác nhau. 

“Với tất cả những nỗ lực đó, hy vọng rằng nền kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi. Tuy nhiên, trong khi cả thế giới vẫn phải chờ thêm thời gian trước khi vắc-xin phòng dịch được phát triển, việc phục hồi một nền kinh tế toàn cầu hiện đại có tính kết nối chặt chẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng”, WB nhận định.

Tin bài liên quan